Chuyển đổi năng lượng: Cần thể chế, vốn và con người
Việt Nam đang chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ theo hướng xanh nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển quốc gia và điều này cần thể chế, vốn và con người.
Đó là một trong những nội dung trọng tâm được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh tại Diễn đàn P4G tại Hà Nội diễn ra sáng 17/4 trong Phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững. Sự kiện không chỉ là dịp để Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ với tăng trưởng xanh, mà còn là nơi định hình những thông điệp chính sách rõ ràng cho tương lai năng lượng bền vững.
Đổi mới sáng tạo – từ công nghệ đến thể chế
Trong phát biểu khai mạc Phiên thảo luận về các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã nhấn mạnh ba trụ cột chiến lược: Đổi mới sáng tạo, hợp tác công – tư và lấy con người làm trung tâm. Từ đó, tạo nên một định hướng tổng thể, hài hòa và đầy tính hành động cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại phiên thảo luận |
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã đúng khi khẳng định: Đổi mới sáng tạo không chỉ là yếu tố hỗ trợ, mà chính là "chìa khóa mở cánh cửa" của chuyển đổi năng lượng bền vững. Trong bối cảnh chi phí năng lượng xanh vẫn còn cao, và hiệu suất khai thác tài nguyên còn hạn chế, thì những bước đột phá về công nghệ – từ lưới điện thông minh, pin lưu trữ, năng lượng hydrogen đến trí tuệ nhân tạo – đang góp phần tái định nghĩa cách thức chúng ta sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện năng.
Tuy nhiên, bài toán không dừng ở công nghệ. Sự đổi mới cần bắt đầu từ thể chế – từ những ưu đãi tài chính, bảo vệ sở hữu trí tuệ, đến khung pháp lý cho phép thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.
Thị trường điện cạnh tranh, cơ chế đấu thầu minh bạch cho năng lượng tái tạo, và hệ thống định giá carbon sẽ là các yếu tố mang tính nền tảng. Thứ trưởng đã nhấn mạnh, "con người là yếu tố then chốt", và điều đó có nghĩa là, Việt Nam cần một lực lượng nhân sự am hiểu cả công nghệ lẫn quản trị chính sách – những người có khả năng đưa các sáng kiến đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.
Hợp tác công – tư: Đòn bẩy tài chính
Một trong những điểm sáng trong thông điệp của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long là nhấn mạnh vai trò của hợp tác công – tư (PPP) trong huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng. Chính phủ có thể định hướng chiến lược và luật chơi, nhưng khu vực tư nhân mới có khả năng mang tới vốn, công nghệ và mô hình vận hành linh hoạt.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long trao đổi, chia sẻ với các đối tác, bạn bè quốc tế những định hướng của Chính phủ Việt Nam trong hành trình chuyển đổi năng lượng |
Các mô hình PPP thành công không chỉ giúp giảm chi phí vốn mà còn giảm rủi ro chính trị, tăng tốc triển khai các dự án năng lượng sạch ở quy mô lớn. Ví dụ, sự tham gia của tư nhân trong các dự án điện mặt trời, điện gió những năm gần đây đã góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu ASEAN về công suất năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề cập đến tận dụng các sáng kiến hợp tác quốc tế như P4G để tiếp cận nguồn tài chính xanh toàn cầu – điều kiện then chốt trong bối cảnh các yêu cầu về phát thải ròng ngày càng chặt chẽ từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ. Đây là điểm mấu chốt để Việt Nam không chỉ chuyển dịch năng lượng trong nước, mà còn duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Lấy con người làm trung tâm
Điểm nhấn quan trọng cuối cùng trong bài phát biểu – và cũng là điểm khác biệt lớn của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng – là tư duy lấy con người làm trung tâm. Chuyển đổi năng lượng không chỉ là câu chuyện về giảm phát thải, mà còn là cơ hội để thu hẹp bất bình đẳng, mở rộng tiếp cận năng lượng tới các khu vực vùng sâu, vùng xa.
![]() |
Chuyển đổi năng lượng đang trở thành trụ cột quan trọng trong định hình một nền kinh tế carbon thấp mà Việt Nam đang theo đuổi. Ảnh: T.H |
Chính sách năng lượng phải bao trùm, nghĩa là mọi nhóm dân cư – dù ở thành thị hay nông thôn, dù là doanh nghiệp lớn hay hộ dân nhỏ – đều có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này. Từ các dự án điện mặt trời mái nhà, mô hình tài chính vi mô cho hộ dân tự đầu tư, cho đến các dự án điện nông thôn, lưới điện thông minh vùng biên – tất cả đều cần được thiết kế theo nguyên tắc "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Từ P4G tới các nỗ lực của Việt Nam tại COP28 hay Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng đang trở thành trụ cột quan trọng trong định hình một nền kinh tế carbon thấp. Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long không chỉ là tổng kết định hướng chính sách, mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ cho một mô hình phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo.
Nếu được triển khai với sự đồng thuận xã hội, nền tảng chính sách rõ ràng và sự hợp lực giữa công – tư – quốc tế, thì hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu trong khu vực. |