Thanh Hóa: Khi Bí thư không né thì cán bộ không được phép tránh
Ngày 1-7-2025, khi cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp - một bước chuyển thể chế có ý nghĩa sâu rộng - Thanh Hóa đã để lại một dấu ấn đặc biệt không bằng khẩu hiệu, cũng không bằng diễn văn. Thay vào đó, hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh kiểm tra đột xuất Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hạc Thành đã trở thành “biểu tượng mở màn” rất thực chất cho mô hình mới.
Không báo trước, không có trong lịch trình, ông đi thẳng đến từng quầy tiếp dân, hỏi han người dân về thủ tục hành chính, trực tiếp ghi nhận phản ánh và giải quyết những hồ sơ đang ách tắc. Khi tiếp cận một trường hợp vướng mắc liên quan đến chế độ chất độc da cam, ông lập tức gọi cho lãnh đạo Sở Y tế để tháo gỡ, đồng thời nói một câu dứt khoát: “Nếu hồ sơ vướng mắc - gọi cho tôi”.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh đang trao đổi với cựu chiến binh về hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hạc Thành. |
Từ một Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào vai trò đứng đầu địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh mang theo mình không chỉ là tác phong “mệnh lệnh - kỷ luật - chính xác”, mà còn là tinh thần “không né tránh khó khăn - không đùn đẩy trách nhiệm”. Trong một lần chia sẻ, ông nói rằng “đây là nhiệm vụ khó, nhưng trong Quân đội có Lời thề thứ 2: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Cái khí chất quân nhân ấy, khi kết hợp với tư duy hành chính hiện đại, đã hình thành một “phong cách lãnh đạo cải cách, không né tránh - nói ít - làm nhiều - và làm đến cùng”.
“Nếu hồ sơ vướng mắc - gọi cho tôi”, câu nói ấy không đơn thuần là sự quan tâm nhất thời, càng không phải “phô diễn sự gần dân” kiểu hình thức. Đó là một hành vi chính trị có tính khơi nguồn - nơi người đứng đầu hệ thống không ngại trực diện vấn đề, không né tránh trách nhiệm, và quan trọng nhất là đặt sự thuận lợi của người dân lên trên mọi quy trình, thủ tục. Hành động ấy đã tạo nên một thông điệp mạnh mẽ: Chính quyền mới không được phép để người dân phải loay hoay, bị đẩy đi - kéo về giữa các tầng nấc công vụ.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh trao đổi với người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Quảng Ninh. |
Từ góc nhìn cải cách thể chế, câu nói “Nếu hồ sơ vướng - gọi cho tôi” là một “biểu tượng khởi đầu" - nhưng không thể là một cơ chế vận hành lâu dài. Bởi lý tưởng cao nhất của cải cách là để người dân không còn phải gọi cho ai cả, mà hệ thống công quyền tự vận hành trơn tru, minh bạch, đúng trách nhiệm và đúng thời hạn. Khi mỗi công chức cơ sở thực hiện đúng vai, đúng tâm và đúng luật, thì người dân không cần tìm đến lãnh đạo cấp tỉnh để “gỡ rối” những thủ tục lẽ ra đã được xử lý nhanh, gọn từ đầu.
Việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp mang theo kỳ vọng lớn về một bộ máy tinh gọn hơn, phân định rõ trách nhiệm và hoạt động hiệu quả, gần dân hơn. Tuy nhiên, nếu cấp xã - nơi trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho người dân - không thực sự chuyển mình, nếu đội ngũ cán bộ vẫn còn tư duy trông chờ, thiếu chủ động và sâu sát, thì toàn bộ kỳ vọng cải cách sẽ trở nên hình thức. Khi đó, mọi vướng mắc đều phải dồn lên cấp trên, mọi phản ánh đều phải chờ đến những cuộc gọi “gọi cho tôi”, và chính điều đó lại trở thành biểu hiện của sự trì trệ trong vận hành bộ máy, chứ không còn là tín hiệu tích cực của tinh thần trách nhiệm.
Thử hình dung một xã hội nơi mỗi người dân khi gặp vướng mắc đều phải gọi cho Bí thư Tỉnh ủy - đó không phải là thành công, mà là biểu hiện của “tắc nghẽn từ gốc”. Và trách nhiệm trước tiên không nằm ở người dân, mà ở đội ngũ cán bộ, công chức, những người được trao quyền để “giải quyết thay vì gây khó khăn”.
Chính vì thế, hành động của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cần được nhìn nhận như một cú huých thức tỉnh hệ thống, rằng phục vụ nhân dân không chỉ là lời hứa, mà là một cam kết nghề nghiệp, cần được hiện thực hóa từ những quy trình nhỏ nhất. Ông đã yêu cầu rà soát, loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp; cải tạo khu vực tiếp dân để thuận tiện, thân thiện hơn và nhấn mạnh vai trò của người công chức cơ sở như người “gác cổng đầu tiên của cải cách hành chính”.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của chính quyền địa phương - nơi quyền lực hành chính tiến gần hơn tới người dân. Nhưng quyền lực ấy chỉ có ý nghĩa nếu được vận hành bằng trách nhiệm và sự tận tâm, chứ không phải bằng thái độ cửa quyền hay tâm thế trì trệ. Việc giảm bớt cấp trung gian chỉ hiệu quả nếu cấp xã trở nên năng động hơn, quyết liệt hơn và gắn bó với dân hơn.
Một chính quyền “gần dân” không được định nghĩa bằng khoảng cách địa lý, mà bằng mức độ lắng nghe, sự chủ động hỗ trợ và năng lực giải quyết công việc hiệu quả. Nếu mỗi công chức cấp cơ sở đều mang trong mình tinh thần phục vụ như Bí thư Tỉnh ủy - không né tránh, không đẩy việc, không chờ chỉ đạo - thì khi ấy, mô hình hai cấp sẽ thực sự thăng hoa.
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm và làm việc tại Tập đoàn Đại Dũng. |
Điều người dân cần không phải là số điện thoại của lãnh đạo, mà là một bộ máy đủ tin cậy để không cần gọi ai cả. Điều người dân mong không phải là lời cam kết hoa mỹ, mà là mỗi lần đến trụ sở công quyền được tiếp đón tử tế, giải quyết thấu đáo và trở về với sự hài lòng.
Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức hôm nay, đặc biệt ở cấp xã cần soi lại mình trước một câu hỏi nghiêm túc: “Mình đã làm gì để người dân không phải gọi cho lãnh đạo?”. Khi trả lời được câu hỏi ấy, cũng là lúc công vụ đi vào chiều sâu. Cũng là lúc hình ảnh chính quyền trở nên gần gũi, đáng tin và đáng trân trọng.
Chúng ta không kỳ vọng mọi cán bộ đều trở thành hình mẫu lý tưởng. Nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng rằng, người công chức nào cũng đủ trách nhiệm để không đẩy dân vào thế bất lực - phải cầu cứu qua điện thoại.
Để rồi một ngày, chính người dân sẽ là người nói lời ghi nhận: “Chúng tôi không cần gọi ai – vì chính quyền đã thực sự vì chúng tôi”.
HÙNG ANH