A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công bằng với mặt hàng xăng!

Theo kế hoạch, hôm nay (23-3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022. Được biết, Chính phủ đã dự thảo đề nghị mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít và dầu, mỡ nhờn các loại giảm từ 700 đến 1.000 đồng/kg hoặc lít.

Đây là tin vui mà đông đảo người dân rất chờ đợi, nhất là khi giá xăng dầu trong những ngày qua đã tăng rất cao, tạo áp lực lớn đối với mọi người, mọi nhà và tất cả các doanh nghiệp, bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nhiên liệu đầu vào đối với mọi ngành nghề.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế và người dân, doanh nghiệp còn băn khoăn khi mặt hàng xăng vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thu hiện hành từ 7% đến 10%, tùy từng loại xăng. Việc xăng là mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng thường xuyên, nhiên liệu đầu vào không thể thiếu của sản xuất, kinh doanh mà lại phải chịu loại thuế này cùng với các mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, cần hạn chế tiêu thụ như thuốc lá, rượu, bia... thì quả là phi lý!

Thiết nghĩ, thời điểm ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014), có thể mặt hàng xăng chưa thực sự là thiết yếu, thường chỉ người giàu mới tiêu thụ nhiều để sử dụng ô tô, chạy máy phát điện cá nhân...; đồng thời lúc đó, nguồn cung cấp xăng cũng hạn chế, cần phải tiết kiệm thì việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể hợp lý. Nhưng khi đất nước và xã hội đã phát triển như hiện nay, rõ ràng quy định này cần phải sớm xem xét, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, góp phần gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển.

Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, đồng thời khiến khoảng cách giàu-nghèo gia tăng bởi chỉ người giàu mới sử dụng nhiều xăng. Nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng tính toán kỹ thì “lợi bất cập hại”. Giá xăng giảm chắc chắn sẽ giảm lạm phát, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tạo nguồn lực để sản xuất, kinh doanh phát triển, các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và có điều kiện trả lương, chăm lo cho người lao động tốt hơn. Và ngược lại...

Mong rằng, trong phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận thêm về việc có nên miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng để đề nghị với Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp gần nhất.

Luật pháp phải luôn bám sát và đáp ứng kịp thời sự thay đổi của thực tiễn chính là ở lúc này. Hãy công bằng với mặt hàng xăng!

 


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết