A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

Khu kinh tế Vân Phong được định hướng trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng.

Một góc vịnh Vân Phong. (Ảnh VĨNH THÀNH)

Một góc vịnh Vân Phong (Ảnh VĨNH THÀNH)

Khánh Hòa là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên là 5.197km2, dân số 1,240 triệu người, là tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam với 385km, có 3 vịnh lớn được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới. Trong đó, vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh là Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang và Vịnh Cam Ranh.

Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong

Vịnh Vân Phong cách thành phố Nha Trang khoảng 70km về phía Bắc. Khu vực vùng vịnh Vân Phong nằm trên địa phận hai huyện: Phía Đông và Đông - Bắc huyện Vạn Ninh và phía Đông - Bắc thị xã Ninh Hòa.

Đây là một vùng địa hình phong phú, có hệ sinh thái đa dạng, bao gồm: Rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ, bờ biển, bãi biển và nhiều cồn cát, đặc biệt có hệ thống đảo, bản đảo, có cảnh quan đẹp và hấp dẫn, có địa danh Mũi Đôi là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền của Việt Nam.

Khu kinh tế Vân Phong được thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg, ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030.

Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha, gồm phần đất và mặt nước; trong đó, phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha, được định hướng là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có: Cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác.

Không gian tổng thể Khu kinh tế Vân Phong được chia thành 2 khu. Trong đó, Khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gồm: Các khu du lịch cao cấp tại Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.

Khu vực Nam Vân Phong (khu vực phía Đông thị xã Ninh Hòa), gồm: Cảng Trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bổ, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển, dọc theo tỉnh lộ 652D cũng như phía Đông đường sắt quốc gia Bắc – Nam.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế Vân Phong đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Vân Phong cần thiết phải nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu, tính chất và tầm nhìn của Khu kinh tế Vân Phong trong giai đoạn mới.

Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong là một phần quan trọng trong nội dung quy hoạch tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất

Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong là một phần quan trọng trong nội dung quy hoạch tỉnh đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất (Ảnh: BQLKKTVP)

Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong là một phần quan trọng trong nội dung quy hoạch tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất giữa các quy hoạch.

Mặt khác, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp.

Thông báo số 97/TB-VPCP ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết số 30-CTr/TU, ngày 23/02/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa đã cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh, trong đó có Khu kinh tế Vân Phong.

Do đó, việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, nhằm đáp ứng tốt hơn và linh hoạt hơn các nhu cầu phát triển, phát huy hiệu quả và hài hòa các tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu vực vịnh Vân Phong nói riêng.

Nhà máy đónhg tàu Hyundai –Việt Nam

Nhà máy đónhg tàu Hyundai –Việt Nam (Ảnh: BQLKKTVP)

Đầu mối giao thương cửa ngõ ra biển

Vịnh Vân Phong được xem là trung tâm của các tuyến đường vận tải hàng hải trong nước và quốc tế, nằm trên ngã ba đường hàng hải quốc tế, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 130km.

Hiện nay, gần 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 số khí đốt hóa lỏng tự nhiên toàn cầu tập trung trên tuyến đường hàng hải này. Khu vực Bắc Vân Phong nằm ở vị trí cực Đông trên đất liền của Việt Nam, gần ngã ba các tuyến hàng hải quan trọng như: Châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á, và Đông Nam Á - Đông Bắc Á.

Đây cũng là là cửa mở hướng ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả Bán đảo Đông Dương nói chung đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Nằm ở khu vực tâm điểm tỏa đến hầu hết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực. Đây cũng là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Từ vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Chính vì vậy, ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1353/QĐ-TTg xác định: Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam.

Dự kiến Quy hoạch Cảng hàng không

Dự kiến Quy hoạch Cảng hàng không (Ảnh: BQLKKTVP)

Vịnh Vân Phong có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp điện mặt trời và điện gió. Bên cạnh đó, khu vực Đầm Môn có thể phát triển cảng trung chuyển container quốc tế cỡ lớn. Dải bờ biển nằm phía Đông núi Hòn Hèo - thuộc khu vực phía Nam của Khu kinh tế có khả năng xây dựng cảng nước sâu, tiếp nhận tàu trọng tải cỡ lớn phù hợp để phát triển cảng chuyên dùng phục vụ sản xuất công nghiệp và dịch vụ dầu khí.

Đây cũng là khu vực khá biệt lập, do được núi Hòn Hèo che chắn về phía Tây, nên việc phát triển công nghiệp cũng ít có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các khu đô thị và dân cư trong khu vực. Những năm vừa qua, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số tổ hợp công nghiệp lớn như: Nhiệt điện, lọc hóa dầu, dịch vụ dầu khí…

Quy mô dân số Khu kinh tế Vân Phong

Dân số đến năm 2030, khoảng 350.000 - 380.000 người; trong đó dân số chính thức khoảng 310.000 - 330.000 người, dân số quy đổi khoảng 40.000 - 50.000 người. Dân số đến năm 2040, khoảng 500.000 - 550.000 người. Trong đó, dân số chính thức khoảng 20.000 450.000 người, dân số quy đổi khoảng 80.000 - 100.000 người.

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, tận dụng các lợi thế của Khu kinh tế, ngoài khu công nghiệp tập trung Ninh Thủy đã được phê duyệt dự án khả thi, tỉnh cũng khuyến khích các dự án đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp sạch.

Khu kinh tế Vân Phong có vị trí chiến lược, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả giữa các vùng trong tỉnh, là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Lợi thế này còn cho phép Khu kinh tế Vân Phong phát triển không gian thương mại - dịch vụ đô thị quy mô lớn, có khả năng hợp tác không chỉ quốc gia, mà với toàn cầu.

Với lợi thế về vị trí địa lý và cảng biển, cảnh quan thiên nhiên, sự thuận lợi về giao thông, Khu kinh tế có khả năng tăng quy mô và hiệu quả của các dịch vụ thương mại, trở thành một trung tâm thương mại lớn, đầu mối giao lưu hàng hóa và xuất nhập khẩu chính của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, và là một trong những đầu mối giao thương cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, Lào, Cam - Pu - Chia.

Quy mô đất xây dựng Khu kinh tế Vân Phong

Đến năm 2030, đất xây dựng các khu chức năng khoảng 14.900ha, trong đó, phát triển dân cư đô thị khoảng 3.140ha; phát triển hỗn hợp dân cư dịch vụ khoảng 950ha; phát triển dân cư nông thôn khoảng 2.660ha; đất xây dựng các khu chức năng khác khoảng 8.150ha.

Đến năm 2040: Đất xây dựng các khu chức năng khoảng 22.000ha, trong đó: Phát triển dân cư đô thị khoảng 5.396ha; phát triển hỗn hợp dân cư dịch vụ khoảng 1.742ha; phát triển dân cư nông thôn khoảng 1.418ha; đất xây dựng các khu chức năng khác khoảng 13.444ha.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật