Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội thông qua đề án về quản lý sử dụng tài sản công

Sáng 10-3, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã thông qua Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”.

Xác định phạm vi 4 nhóm tài sản công

Mục tiêu của Đề án hướng đến là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh tình trạng tài sản công bị để hoang hóa, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, có vi phạm...

Nội dung Đề án đã thống kê, phân tích, đánh giá khá đầy đủ hiện trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố (trong đó, tập trung thống kê, đánh giá đối với 4 nhóm tài sản công chủ yếu là nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản khác), phân tích đặc điểm, cơ chế quản lý hiện hành, đánh giá kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quản lý và các công cụ, biện pháp phục vụ công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI.

Đề án xác định phạm vi gồm 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác. Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.

Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp chung gồm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ; thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; kiện toàn, đổi mới mô hình, bộ máy cơ quan quản lý tài sản công và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công; nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, Đề án đề ra 4 nhóm giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác từng nhóm tài sản công của thành phố.

Đây là đề án khung, có tính chất định hướng. Trên cơ sở đề án được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Trong đó, trọng tâm là triển khai 4 đề án thành phần, tập trung vào 2 nhóm tài sản có quy mô và giá trị lớn của thành phố là nhà và đất đai.

Nhận diện những khó khăn để có giải pháp thiết thực

Trước đó, trình bày Tờ trình, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Đề án "Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030" là một đề án quan trọng, liên quan đến điều hành của thành phố, có phạm vi bao quát rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên địa bàn thành phố, cần sự giám sát của HĐND Thành phố trong quá trình tổ chức, thực hiện.

 Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu đọc Tờ trình. 

Việc trình HĐND Thành phố thông qua Đề án là cần thiết, nhằm phát huy vai trò giám sát của HĐND Thành phố theo quy định và tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức triển khai Đề án.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố cũng nhấn mạnh, việc quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố là một trong những lĩnh vực quan trọng, phức tạp, được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố thường xuyên chỉ đạo, giám sát, được cử tri Thủ đô đặc biệt quan tâm theo dõi.

HĐND Thành phố đã có cuộc giám sát chuyên đề năm 2022, đã tổ chức chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND Thành phố khóa XVI về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất, thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố Hà Nội. Qua giám sát của HĐND thành phố và chất vấn tại kỳ họp, có thể thấy, công tác quản lý, khai thác sử dụng tài sản công của thành phố thời gian qua còn nhiều bất cập, tồn tại và chưa phát huy được hiệu quả trong sử dụng nguồn lực có nguồn gốc từ tài sản công.

Việc UBND Thành phố xây dựng Đề án là cần thiết nhằm đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp kịp thời quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, huy động thêm các nguồn lực tài chính từ tài sản công để đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Việc HĐND Thành phố xem xét Đề án trước khi UBND Thành phố quyết định là để phát huy trách nhiệm của các đại biểu nhân dân trong tham gia vào các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp trong nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công của thành phố, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố, đồng thời cũng là căn cứ để các đại biểu và toàn thể cử tri, người dân Thủ đô tham gia giám sát việc thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật