A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Xây dựng hạ tầng đô thị gắn liền công nghiệp bán dẫn

Chuyên gia nhận định, Hà Nội cần có năng lực về công nghệ điện tử, công nghiệp bán dẫn để xây dựng và vận hành đô thị thông minh.

Sáng 31/7, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức tọa đàm '''Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam''.

Đề án thành phố Hà Nội thông minh gắn liền công nghiệp bán dẫn

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang trở thành trụ cột quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội với những tiềm năng vượt trội, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ thế giới.

Hà Nội, với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, và giáo dục của cả nước, việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, từ nghiên cứu, sản xuất, đến ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực, là điều vô cùng cần thiết.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Do đó, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.

Hà Nội: Xây dựng hạ tầng đô thị gắn liền công nghiệp bán dẫn
TS Nguyễn Nhật Quang trình bày báo cáo trong phiên tham luận. Ảnh: Trần Đình

TS Nguyễn Nhật Quang nhận định, các công nghệ hiện nay trở nên tân tiến hơn nhờ hệ thống dữ liệu và kết nối. Điển hình, các thực thể kết nối với nhau qua internet. Chia sẻ, dùng chung dữ liệu, qua đó mỗi thực thể trở nên thông minh hơn và tổng thể hệ thống hiệu quả hơn. Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và chip bán dẫn sẽ được tích hợp vào mọi thiết bị cần thiết trong đời sống. Vì vậy, hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của công nghiệp điện tử, viễn thông, IoT,...

Đối với Hà Nội, TS Nguyễn Nhật Quang đề xuất nên xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với quy mô thành phố thông minh. Cụ thể, thủ đô cần có các đề án quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội có nội dung thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.

Cùng với đó, để trở thành thành phố thông minh Hà Nội nên xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Đồng thời, tất cả các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp – thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa.

Đáng chú ý, những yếu tố kể trên đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Điều này khiến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn để xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững.

Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, để có hệ sinh thái toàn diện, các nhà hoạch định chính sách nên tham khảo tầm nhìn về vấn đề xây dựng công nghiệp bán dẫn Hà Nội trong tổng thể vùng thủ đô. Cụ thể, cần thành lập vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Trong đó, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Thay đổi tư duy đón sóng đầu tư

Cũng tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia nhận định các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam do ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội.

Đơn cử, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Klau Schwab đánh giá Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô.

Hà Nội: Xây dựng hạ tầng đô thị gắn liền công nghiệp bán dẫn
Các chuyên gia cùng bàn luận nhằm tìm hướng phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Trần Đình

Đặc biệt, kết quả của các chuyến ngoại giao cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và của các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước tới Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài.

Với lợi thế là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam đồng thời là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư, trở thành một trong những khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thời gian qua, Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX… Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên và thủ tục hải quan…

Chia sẻ trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024, PGS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, Hà Nội chưa thực sự khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6%, thấp hơn mức bình quân 6,42% của cả nước. Thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lũy kế đến cuối năm 2023, Hà Nội đạt 41,17 tỷ USD, chiếm 8,8% cả nước.

Trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chỉ chiếm 8%. Nguyên nhân là do việc tiếp cận tư duy, hành động đổi mới sáng tạo vẫn còn diễn ra tương đối chậm. Thêm vào đó là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền thủ đô với các bộ ngành trung ương với các viện khoa học, trường đại học.

Góp ý thêm giải pháp, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, để tận dụng cơ hội sẵn có, Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng, đồng thời có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Khoa đánh giá, Hà Nội cần lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước, nhất là nơi có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và bán dẫn nói riêng.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm khuyến nghị, để thu hút đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, Hà Nội cần triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại đây.

Một số đề xuất được nêu ra tại hội thảo bao gồm: Đối với nhà đầu tư nên được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết