A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Tĩnh: Đưa cảng biển thành động lực tăng trưởng

Hà Tĩnh là một trong những địa phương được đánh giá có điều kiện lý tưởng để phát triển cảng nước sâu trung chuyển quốc tế. Khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà Hà Tĩnh đang hướng tới.

Ban hành chính sách thông thoáng

Có mặt tại cảng Vũng Áng, chúng tôi chứng kiến từng chuyến xe chở dăm gỗ, vật liệu xây dựng nối nhau tập kết tại cầu cảng, rồi được tải lên băng chuyền xếp vào khoang tàu. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào-Việt, đơn vị đang khai thác cảng Vũng Áng, cho biết: “Công ty hiện đang quản lý, khai thác bến số 1, 2, 3 với năng lực khai thác lên tới 6-8 triệu tấn hàng mỗi năm. Thời gian gần đây, các mặt hàng vận chuyển qua cảng Vũng Áng ổn định, chủ yếu là hàng rời, hàng tổng hợp, hàng quá cảnh của nước bạn Lào như dăm gỗ, đá, vật liệu xây dựng”.

  Toàn cảnh cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh: ĐÌNH NHẤT

  Trung bình mỗi tháng, cảng Vũng Áng đón 2-4 chuyến tàu container cập cảng. Ảnh: HOA LÊ

Theo quy hoạch của Chính phủ, cảng biển Hà Tĩnh là cảng loại I, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Trong đó, cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương có độ sâu 11-22m, ít bồi lắng là điều kiện lý tưởng để phát triển hệ thống cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000-300.000 DWT, tàu container có sức chở lên đến 4.000 TEU. Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương là một trung tâm động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát triển cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn gắn với năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng; bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển các loại tàu vận chuyển quốc tế. Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng.

Theo đó, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng được hỗ trợ 200.000.000 đồng/chuyến cập cảng. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng và mở tờ khai tại các chi cục thuộc Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh hoặc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có hàng hóa được vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) được hỗ trợ 700.000 đồng đối với container 20 feet; 1.000.000 đồng đối với container 40 feet trở lên. Tuy điều kiện kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh còn khó khăn nhưng tỉnh vẫn quyết định chi "mạnh tay", ban hành chính sách thông thoáng, thu hút các hãng tàu và doanh nghiệp tìm đến đầu tư, vận chuyển hàng hóa qua cảng Vũng Áng.

Trên cơ sở những ưu đãi về chủ trương, chính sách, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, khai thác, phát triển cảng biển và Trung tâm logistics tại Vũng Áng-Sơn Dương. Từ đây, tuyến dịch vụ vận tải biển nội địa kết nối hàng hóa Hải Phòng-Vũng Áng-TP Hồ Chí Minh và ngược lại được hình thành, khai thác ổn định 2-4 chuyến/tháng, bảo đảm nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Thu hút doanh nghiệp mở tuyến

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào-Việt, 98% hàng vận chuyển qua cảng Vũng Áng là hàng rời và hàng bao kiện, chỉ 2% là hàng thiết bị và container. Khu kinh tế Vũng Áng vẫn đang phụ thuộc vào mặt hàng gang thép của Khu liên hợp gang thép Formosa và nhiệt điện, xăng dầu. Tuyến dịch vụ vận tải container hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn mới đưa vào khai thác, tần suất chỉ 2-4 chuyến/tháng nên độ phủ sóng chưa cao. Các chủ hàng có container qua cảng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, gia công cho nên phải tập trung về các công ty mẹ để xuất khẩu các lô hàng lớn.

Mặt khác, cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương đi vào hoạt động hàng chục năm nhưng đến nay, hệ thống logistics, hậu cảng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hiện cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương mới có 1 bến cảng tổng hợp, 3 bến chuyên dùng. Ngoài đối tác là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thì đến nay vẫn chưa có hãng tàu nào mở tuyến khai thác vận tải hàng container tại Hà Tĩnh, chưa phát triển được tuyến vận tải container quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp tại Hà Tĩnh vẫn phải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đến các cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn để xuất khẩu.

 Cảng Vũng Áng đón chuyến tàu container đầu tiên của Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: THANH HOÀI

   Cảng Vũng Áng đón chuyến tàu container đầu tiên của Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: THANH HOÀI

Đến nay, trên địa bàn các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh có 190 dự án đầu tư còn hiệu lực, riêng Khu kinh tế Vũng Áng có 153 dự án, bao gồm 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, cảng Vũng Áng chưa hình thành được tuyến vận tải container quốc tế. Ông Nguyễn Hùng Cường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh chia sẻ: “Công ty chúng tôi chế biến một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và nhập khẩu các nguyên liệu từ Indonesia về. Có vị trí gần cảng Vũng Áng nhưng công ty chúng tôi cũng không tận dụng được điều này vì cảng Vũng Áng hiện chưa có dịch vụ cung cấp các container đông lạnh và tuyến vận tải quốc tế. Do vậy, muốn xuất khẩu các đơn hàng sang Nhật Bản, chúng tôi phải thuê container đông lạnh vận chuyển đường bộ ra cảng Hải Phòng rồi mới xuất khẩu được nên gia tăng thêm nhiều chi phí”.

Để phát triển cảng biển và tăng lượng hàng hóa container qua cảng, yếu tố quyết định là thị trường hàng hóa. Ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến: "Các hãng tàu container sẽ nghiên cứu xem lượng hàng hóa trong khu vực có dồi dào và nhiều tiềm năng hay không để đưa ra chiến lược, quyết định đầu tư mở tuyến. Do đó, giải pháp căn cơ mà Hà Tĩnh phải hướng tới đó là tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo quy mô lớn, định hướng xuất khẩu; hoàn thiện quy hoạch chi tiết cảng biển Vũng Áng-Sơn Dương để các doanh nghiệp tìm đến đầu tư lâu dài”.

Để đưa cụm cảng Vũng Áng-Sơn Dương thành một động lực tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh, song song với yếu tố về chính sách thu hút, đầu tư cơ sở hạ tầng, các đơn vị khai thác cảng biển cũng cần tích cực nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, ứng dụng khoa học-công nghệ để giảm thời gian, chi phí cho chủ tàu và chủ hàng; đầu tư nguồn nhân lực có chứng chỉ kiểm tra, sửa chữa, giám định hàng container đáp ứng được các tiêu chuẩn vận tải biển của khu vực và quốc tế.


Tags: Hà Tĩnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan