A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Thủ đô có thể bứt phá những tháng cuối năm?

6 tháng đầu năm, kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội đạt tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước, xếp thứ hai trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn kế hoạch đòi hỏi Hà Nội phải nỗ lực hơn để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra cho cả năm 2023.

Bức tranh kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm

Kết quả thống kê 6 tháng đầu năm của Thủ đô Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng 5,97%. Đây là mức tăng khá so với các địa phương khác, nhất là trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trong bối cảnh kinh tế nước ta đang bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung-cầu do xung đột giữa các nước trên thế giới và từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Tăng trưởng bình quân cả nước ước đạt khoảng 4,6%; TP Hồ Chí Minh ước tính tăng 3,55%; TP Đà Nẵng ước tính tăng 3,74%; TP Cần Thơ ước tính tăng 3,71%; TP Hải Phòng ước tính tăng 9,94%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 39,8 nghìn tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán năm và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Biểu đồ kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của Hà Nội. 

Du lịch và vận tải hành khách của Thủ đô phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ước tính tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 12,33 triệu lượt người, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt người, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3%. Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, du lịch phục hồi mạnh một mặt là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mặt khác là thành phố đã kịp thời kích cầu du lịch, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới.

Quý II-2023, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Hà Nội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 2.265 triệu USD, vượt kết quả của cả năm 2022 và đứng đầu cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả đạt được ghi nhận sự nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp của Hà Nội.

Cầu vượt tại nút giao đầu Quốc lộ 5, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY 

Đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố trong 6 tháng qua, song Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thẳng thắn chỉ ra một số điểm tồn tại. Đó là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ; sản xuất của một số ngành công nghiệp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường nội địa suy giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số cải cách hành chính tăng nhưng các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại giảm...

Mức tăng trưởng quý I-2023 của Hà Nội đạt 5,95%, thấp hơn mức tăng 6,7% theo chỉ tiêu kế hoạch. Mức tăng trưởng quý II-2023 đạt 5,98%, thấp hơn mức tăng trưởng 6,8% theo chỉ tiêu kế hoạch. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 7,0%, Hà Nội phải đạt mức tăng trưởng quý III từ 7,54% trở lên, quý IV từ 8,23% trở lên. Đây là nhiệm vụ không phải dễ dàng trong bối cảnh đang có rất nhiều khó khăn như hiện nay.

Làm gì để bứt phá?

Để thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử, Hà Nội đã khởi công xây dựng chợ thương mại dịch vụ Bích Hòa (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai); đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án trung tâm thương mại lớn; thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại như máy bán hàng tự động tại các khu vực công cộng; đề xuất xây dựng mô hình outlet trên đường Nhật Tân-Nội Bài với diện tích khoảng 39,45ha; vận hành gian hàng số trên sàn thương mại điện tử.

Hà Nội đang tập trung thành lập, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Hiện thành phố đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật 3 cụm công nghiệp (Ninh Sở, Phú Yên thuộc huyện Phú Xuyên và Thanh Đa thuộc huyện Phúc Thọ). Để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, Ban chỉ đạo phát triển điện lực thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện 4 kế hoạch về phát triển điện lực, năng lượng năm 2023; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng và 364 văn bản chỉ đạo thực hiện giám sát bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, chất lượng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu thành phố khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, chậm trễ trong 6 tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Hà Nội tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đạt mức cao nhất, tăng trách nhiệm người đứng đầu, đưa kết quả giải ngân thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua năm 2023. HĐND thành phố tăng cường giám sát, nhất là việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính gây phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường tính công khai, minh bạch...

Để kiến tạo phát triển Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố như: Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội; xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn-ga Hà Nội; Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo); đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030... Tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, với mục tiêu phát triển Thủ đô đồng đều, toàn diện và bền vững.

Nhiệm vụ những tháng cuối năm rất nặng nề. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ, căn cơ và với quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố, Hà Nội vẫn có khả năng bứt phá để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung của cả nước.


Tags: Thủ Đô
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết