A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu đẩy mạnh phát triển công nghiệp để phát huy lợi thế địa phương

Lai Châu phát triển công nghiệp thủy điện, cùng với đó là công nghiệp chế biến và một số lĩnh vực để phát huy thế mạnh…

Mặc dù là tỉnh miền núi khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, nhưng tỉnh Lai Châu xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo giá trị và phát huy lợi thế địa phương. Một trong những lĩnh vực công nghiệp tạo giá trị và nguồn thu lớn cho Lai Châu những năm gần đây là phát triển thủy điện...

Theo ông Lê Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, hiện các nhà máy thủy điện đang đóng góp trên 50% nguồn thu của tỉnh. Lai Châu có 36 dự án thủy điện đã hoàn thành phát điện, công suất lắp máy trên 2.600 MW. Nhìn tổng thể về lĩnh vực công nghiệp thủy diện của địa phương hiện nay mới thấy tiềm năng và qui mô thủy điện của tỉnh Lai Châu rất lớn. Toàn tỉnh có 104 công trình thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 3.544,7 MW. Trong đó có 64 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 3.088 MW, tổng mức đầu tư đăng ký 101.979 tỷ đồng…

Lai Châu đẩy mạnh phát triển công nghiệp để phát huy lợi thế địa phương
Công nghiệp thủy điện đóng góp lớn cho nguồn thu của tỉnh Lai Châu

Một trong những lĩnh vực quan trọng mà thời gian qua tỉnh Lai Châu hết sức quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển là công nghiệp chế biến. Trước hết phải kể đến công nghiệp chế biến chè. Trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19, rồi các vấn đề liên quan đến cước phí vận chuyển… lượng tồn chè của Lai Châu khá lớn, tuy nhiên những tháng giữa năm 2022 khi tình hình ổn định đã cơ bản xuất hết các sản phẩm chè của địa phương. Chè Lai Châu chủ yếu xuất sang các nước Nam Á như thị trường Pakistan và Afghanistan.

Cùng với đó, qua kênh của Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh xuất khẩu chè qua một số thị trường, khu vực khác trên thế giới.

Lai Châu hiện có vùng chè trên 10.000ha. Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường, Công ty cổ phần trà Than Uyên, Công ty cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, với các sản phẩm đóng gói tiêu thụ trực tiếp ra thị trường như: Trà Ô long, Matcha, Sencha, Đông Phương Mỹ Nhân, Hồng trà, trà xanh...

Các sản phầm chè còn lại chủ yếu là trà xanh sao lăn được chế biến thô, xuất bán cho đơn vị khác ngoài tỉnh để đóng gói, chế biến, tiêu thụ.

Lai Châu đẩy mạnh phát triển công nghiệp để phát huy lợi thế địa phương
Công nghiệp chế biến giúp thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa

Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến cao su và mắc ca. Dự kiến đến năm 2025 tỉnh Lai Châu sẽ có trên 20.000 ha mắc ca, đây được xác định là một trong những sản phẩm thế mạnh, mang lại giá trị cho Lai Châu trong những năm tới đây.

Hiện Lai Châu đang có 5 doanh nghiệp, Hợp tác xã chế biến mắc ca tiêu thụ khá ổn định. Với cây cao su hiện địa phương có 12.000 ha, dù sản lượng mủ chủ yếu chuyển về các nhà máy ở địa phương khác nhưng thời gian tới Lai Châu sẽ đẩy mảnh thu hút để có nhà máy qui mô tại địa phương…

Không chỉ có những sản phẩm trên, Lai Châu còn có nững sản phẩm thế mạnh khác như thảo quả, một số loài dược liệu quí, lâm sản nguyên liệu… nên theo ông Lê Xuân Tiến, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sẽ tạo “bệ đỡ” để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu vừa qua cũng đã xác định rõ nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo nhưng phát triển công nghiệp để tạo giá trị và bứt phá…

Về phát triển công nghiệp, thời gian tới tỉnh Lai Châu định đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng của tỉnh. Cùng với thủy điện thì lĩnh vực chế biến khoáng sản, đất hiếm cũng sẽ được quan tâm. Việc phát triển công nghiệp sẽ gắn liền với phát triển thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, tới đây khi Cửa khẩu Ma Lù Thàng chính thức công bố trở thành của khẩu quốc tế, giao thương sẽ có những thuận lợi.

Lai Châu cũng đã có kế hoạch mở rộng diện tích khu kinh tế của khẩu Ma Lù Thàng thêm 35ha, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ tại khu kinh tế và phát triển Khu công nghiệp Mường So ngay khu kinh tế của khẩu sẽ tạo mối liên kết giữa phát triển công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa...

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu đã gửi đi những thông điệp, cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, công khai để chào đón các nhà đầu tư tới Lai Châu.

Đồng thời Lai Châu đẩy mạnh cải thiện hai chỉ số về cải cách hành chính và năng lực đầu tư cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao… để đáp ứng thúc đẩy công nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật