Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 có gì đặc biệt?
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 10 - 14/2/2025 (tức ngày 13 - 17 tháng Giêng) tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là năm thứ 3 lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động đặc sắc, thú vị.
Tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống của vương triều Trần
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hoá nhà Trần ở Thái Bình; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thi đua học tập, rèn luyện, lao động sản xuất.
|
Các hoạt động lễ hội góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống ỵêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ; ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.
Thi cỗ cá là hoạt động không thể thiếu trong Lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra hàng năm |
Năm nay, lễ hội được tổ chức hoành tráng, quy mô cấp tỉnh, nhằm kỷ niệm 800 năm Ngày sáng lập Vương triều Trần (1225 - 2025). Phần lễ sẽ bao gồm các nghi lễ truyền thống như lễ tế mở cửa đền; lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần; lễ rước nước; khai mạc và lễ bái yết.
Phần hội sẽ bao gồm các hoạt động như: Thi gói bánh chưng; Thi pháo đất; Thi cỗ cá; Ngày thơ Việt Nam; Thi têm trầu cánh phượng; Thi vật cầu; Giao Iưu các câu lạc bộ chèo; Thi kéo lửa nấu cơm cần; Thi kéo co; Liên hoan hát văn.
Hội thi cỗ cá thường có 8 thôn, làng của xã Tiến Đức tham gia, chia làm 8 giáp. Đây là nét văn hóa đặc sắc hình thành từ triều Trần cách đây 800 năm |
Theo ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà, năm nay, trong khuôn khổ lễ hội, Thái Bình tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu một số sản phẩm OCOP của tỉnh vào ngày 10/2 và Hội chợ kết nối cung cầu doanh nhân họ Trần với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của lễ hội, Hội chợ kết nối cung cầu doanh nhân họ Trần với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng được tổ chức |
Chương trình khai mạc đặc sắc, ấn tượng
Ngoài ra, chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ Thái Bình, miền Thánh Mẫu - đất Thánh nhân, dấu thiêng Phật pháp, phát tích Vương triều Trần” sẽ khai mạc vào tối 10/2. Chương trình do đạo diễn Lê Thế Song làm tổng đạo diễn gồm 3 chương.
Chương 1: Linh thiêng đất Mẫu; Chương 2: Long Hưng - Minh triết quân thần: Miền đất thánh nhân; Chương 3: Dấu thiêng Phật pháp.
Đêm nghệ thuật khai mạc sẽ có sự tham dự của NSND Tự Long, NSUT Thanh Thanh Hiền; ca sĩ Ngọc Anh, ca sĩ Minh Quân, Sao Mai Thu Thủy…
Sự kiện này sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình tỉnh Thái Bình, Báo Thái Bình và một số báo điện tử như Tuổi trẻ Thủ đô, Tuổi trẻ và Pháp luật…
Phối cảnh sân khấu khai mạc lễ hội |
Hiện nay, các tiểu ban đang tích cực chuẩn bị, bố trí lực lượng, phương tiện y tế thường trực cấp cứu và cơ số thuốc dự phòng tại các khu vực diễn ra các hoạt động; xây dựng phương án chủ động phòng, chống dịch bệnh; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo toàn vệ sinh thực phẩm đối với các nhà hàng, khách sạn; khách du lịch ăn, nghỉ và bảo đảm an toàn lưới điện, phòng cháy chữa cháy…
“Đây cũng là dịp quảng bá tiềm năng của tỉnh, do đó, chúng tôi yêu cầu các nhà hàng, cơ sở lưu trú xây dựng chương trình, giá cả phù hợp, hỗ trợ du khách về dự lễ hội, kết hợp nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, niêm yết công khai giá cả dịch vụ... nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm văn minh, an toàn và ấn tượng tốt đẹp khi tham dự lễ hội”, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà nói.