Múa rối nước - đặc sản văn hóa Việt
Nghệ thuật múa rối nước thể hiện đậm nét sức sống và bản sắc văn hóa Việt Nam, do vậy được công chúng, nhất là du khách nước ngoài rất yêu thích...
Trên thế giới có rất nhiều loại hình nghệ thuật múa rối khác nhau: Rối gậy, rối que, rối dây, rối tay, rối ngón, rối miệng, rối bóng... nhìn chung là các loại rối cạn, chỉ duy nhất Việt Nam có rối nước. Đó chính là đặc sản của văn hóa Việt, sản phẩm độc đáo của nền văn minh lúa nước gắn liền với những điều kiện tự nhiên, sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông nghiệp.
Khác với múa rối thông thường, múa rối nước dùng mặt nước làm sân khấu. Nước không chỉ là nơi quân rối trình diễn mà còn là yếu tố cộng minh, cộng sinh, cộng hưởng. Mặt nước vừa là môi trường, khung cảnh, vừa là yếu tố hỗ trợ cho các con rối thể hiện những màn trình diễn đầy kỳ ảo, sinh động, bất ngờ, bí ẩn trước mắt người xem. Con rối từ một vật thể vô tri, vô giác, nhờ sự điều khiển khéo léo, tài ba của người nghệ nhân đã trở nên sống động như một sinh thể có hồn.
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật có tính nguyên hợp cao, có sự góp mặt của tích, của trò, của ca, múa, nhạc, diễn, hề kết hợp với âm thanh, ánh sáng, lời giáo trò, lời thoại, dàn nhạc, tiếng pháo... tạo nên những hiệu ứng mạnh và hấp dẫn người xem. Trong múa rối nước, chúng ta có thể bắt gặp những tích truyện văn chương, các phong tục tập quán, những làn điệu chèo, tuồng, các câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao, dân ca của dân tộc.
Nghệ nhân rối nước làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ảnh: MINH TRANG |
Theo truyền thuyết thì múa rối nước ra đời từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, năm 255 trước Công nguyên. Nhưng nếu dựa vào bằng chứng thực tế, qua những ghi chép trên bia tháp Sùng Thiện Diên Linh dựng năm 1121, có thể thấy vào thời Lý, múa rối nước đã phổ biến ở nước ta. Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, múa rối nước ngày càng được trau chuốt, hoàn thiện để trở thành một loại hình sân khấu cổ truyền độc đáo của dân tộc.
Các làng rối, phường rối lâu đời thường tập trung quanh kinh thành Thăng Long và vùng châu thổ sông Hồng. Có thể kể đến một số phường rối tiêu biểu, như: Đào Thục, Tế Tiêu, Tràng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá, Nguyên Xá, Nam Chấn, Thanh Hải, làng Ra...
Nghệ thuật múa rối nước là sự kết tinh của óc sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người nông dân Việt Nam qua bao thế hệ. Các vở diễn trong múa rối nước mô tả những cảnh sinh hoạt đời thường và công việc nhà nông, như: Đi cấy, đi bừa, chăn vịt, úp nơm, đánh cá, xay lúa, giã gạo, câu ếch, bắt vịt; các quang cảnh lễ hội: Múa rồng, múa sư tử, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu, chọi gà, đua thuyền, bơi chải, đánh đu; ca ngợi truyền thống chống giặc ngoại xâm như: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo; các trích đoạn chèo, tuồng như: Thị Màu lên chùa, Thạch Sanh, Tấm Cám; các nghi thức tín ngưỡng: Đi hội, tô tượng, đúc chuông, lễ Phật, rước thần... Nhìn chung, múa rối nước tạo nên sự độc đáo, diệu kỳ, hấp dẫn từ trò, tích trò đến sân khấu, buồng trò, quân rối cũng như kỹ thuật điều khiển rối của các nghệ nhân.
Trong hai thập niên gần đây, sân khấu múa rối nước ở Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, tiết mục, vở diễn ngày càng đa dạng. Đề tài phản ánh phong phú hơn, không chỉ về đề tài lịch sử mà cả các đề tài đời thường, sản xuất, chiến đấu... Các tiết mục được đầu tư ngày càng hoành tráng, công phu hơn, có sự kết hợp với các xảo thuật của sân khấu hiện đại, như: Ánh sáng, dàn nhạc, hiệu ứng tia lửa, khói... mang đến sự sống động, hấp dẫn hơn.
Nghệ thuật múa rối nước thể hiện đậm nét sức sống và bản sắc văn hóa Việt Nam, do vậy được công chúng, nhất là du khách nước ngoài rất yêu thích. Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã mang nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đi biểu diễn ở gần 100 nước trên thế giới... Nhà hát Múa rối Thăng Long từng nhận được danh hiệu Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm. Hầu hết khán giả nước ngoài đều ngạc nhiên và thán phục múa rối nước của Việt Nam. Người Pháp gọi đó là “linh hồn của đồng ruộng Việt Nam” và cho rằng múa rối nước xứng đáng là một trong những hình thức quan trọng nhất của sân khấu múa rối thế giới. Còn trong nước, gần như ở mọi tour du lịch cho khách nước ngoài đều có chương trình xem biểu diễn múa rối nước.
Tuy nhiên, đó là đối với sân khấu biểu diễn múa rối nước chuyên nghiệp. Còn tại các cộng đồng địa phương, sinh hoạt múa rối nước đang ngày càng suy giảm. Do sự thay đổi của điều kiện sống cũng như nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cũng đã khác, các phường rối ngày càng "teo tóp", hoạt động èo uột. Điển hình là múa rối nước làng Ra từng rất phát triển gắn với du lịch và đã nhiều lần được ra nước ngoài biểu diễn, song đến nay, do cộng đồng không có kỹ năng quản trị và chiến lược phát triển bài bản nên ngày càng sa sút, không có đội ngũ kế thừa.
Rối nước làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ảnh: MINH TRANG |
Với tư cách là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, việc bảo vệ và phát huy múa rối nước cần phải được quan tâm sâu sắc và kịp thời. Để đặc sản mãi mãi là đặc sản, rất cần có một tầm nhìn xa, sự đầu tư và những đối sách phù hợp.
Chúng ta có thể tham khảo bài học kinh nghiệm của các nước trong ứng xử đối với múa rối bóng. Chẳng hạn, tại Indonesia, để bảo vệ di sản múa rối bóng Wayang, Chính phủ Indonesia đã có tầm nhìn xa và sớm xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh di sản và năm 2003, nghệ thuật múa rối Wayang đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Từ khi được ghi danh, múa rối bóng Wayang dần dần được hồi sinh, được khai thác để trở thành một loại hình trình diễn phục vụ du lịch. Những con rối được tạo tác thành đồ lưu niệm, các biểu tượng văn hóa... Do vậy, nghệ thuật múa rối Wayang hiện nay trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách nước ngoài đến với đất nước vạn đảo.
Để múa rối nước phát triển lâu dài và bền vững ở Việt Nam, chúng ta rất cần tiến hành một hệ thống các giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về nghệ thuật múa rối nước cho công chúng, bởi có một nghịch lý là tuy múa rối nước được coi là “đặc sản” của văn hóa Việt Nam nhưng chủ yếu lại dành cho khán giả nước ngoài, còn công chúng trong nước chưa quan tâm nhiều. Tiếp đó, cần tăng cường giáo dục về múa rối nước như là một loại hình di sản cho giới trẻ. Lồng ghép giáo dục nghệ thuật trong các chương trình như: "Sân khấu học đường", “Đưa di sản vào nhà trường”...
Cần quan tâm hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân, người thực hành múa rối nước. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các câu lạc bộ, phường rối ở các địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền dạy, trao truyền di sản. Chủ động tiến hành xây dựng hồ sơ về nghệ thuật múa rối nước trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Múa rối nước từng được đưa vào danh sách ưu tiên làm hồ sơ trình UNESCO, nhưng cho đến nay, chưa có địa phương nào đứng ra đăng cai để làm hồ sơ quốc gia. Cần đầu tư cho các tác giả kịch bản, nghệ sĩ tìm tòi, sáng tác, dàn dựng nhiều tiết mục, chương trình mới sao cho các buổi diễn đa dạng hơn, ít lặp lại hơn, để du khách và công chúng có thể quay lại xem nhiều lần, không phải chỉ một vài lần là trùng lặp, là “hết vốn”.
Tựu trung lại, để nghệ thuật múa rối nước trường tồn với văn hóa dân tộc, rất cần có sự quan tâm sát sao và chung tay, góp sức từ phía các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách cũng như những người làm nghề và các cộng đồng đang thực hành di sản, để các thế hệ con cháu chúng ta mãi mãi được thưởng thức và trao truyền những giá trị tinh túy của di sản văn hóa quý báu này.