A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 18-2-1957: Ngày truyền thống Trường Sĩ quan Pháo binh

Ngày 18-2-1957, Trường Sĩ quan Pháo binh được thành lập theo Nghị định số 32/NĐ-A của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-2-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-2

Sự kiện trong nước

- Ngày 18-2-1957, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra Nghị định số 32/NĐ-A thành lập Trường Sĩ quan Pháo binh, trên cơ sở phân khoa Pháo binh thuộc Trường Sĩ quan Lục quân và Trường Tập huấn Pháo binh (đội Huấn luyện 351). Từ đó, ngày 18-2 hằng năm trở thành ngày truyền thống của trường Sĩ quan Pháo binh. 

 Các học viên Trường Sĩ quan Pháo binh trong một buổi huấn luyện. Ảnh: www.qdnd.vn

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, được nhân dân địa phương và các đơn vị bạn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, Trường Sĩ quan Pháo binh đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, xây đắp nên truyền thống: “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, dạy tốt, học tốt, công tác tốt”. Nhà trường luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị pháo binh, tên lửa cho quân đội ta và quân đội các nước bạn. Kịp thời cung cấp cán bộ pháo binh cho các chiến trường, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ cán bộ do Nhà trường đào tạo đều có phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí trưởng thành là tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; nhiều đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội ta và các nước bạn tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý.

Hiện nay, Trường Sĩ quan Pháo binh đang tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng chính quy hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa; tích cực, chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực, ngày càng hiện đại.

- Từ ngày 18 đến 21-2-1973, Quốc hội khóa IV tiến hành kỳ họp thứ 3 tại Hà Nội. Ở kỳ họp đặc biệt này, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris vào ngày 27-1-1973.

Sau khi nghe Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đọc báo cáo của Chính phủ, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đọc báo cáo về ngoại giao, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đọc báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự, cùng nhiều tham luận của các đại biểu, Quốc hội biểu thị thái độ hoan nghênh Hiệp định Paris và thông qua Nghị quyết về việc ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đọc báo cáo về tình hình và nhiệm vụ quân sự tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa IV, tháng 2-1973. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

- Ngày 18-2-1979, Việt Nam và Campuchia ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng một số hiệp định quan trọng khác tại thủ đô Phnom Penh. Nội dung hiệp ước có ghi, hai bên cam kết ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt và bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tǎng cường khả nǎng bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc hoà bình của nhân dân mỗi nước, chống mọi âm mưu và hành động phá hoại của lực lượng đế quốc và phản động quốc tế.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 18-2-1930, Clyde W. Tombaugh, một chàng thanh niên 24 tuổi người Mỹ, đã sử dụng kính thiên văn phát hiện ra Sao Diêm Vương từ đài quan sát Lowell ở Flagstaff, bang Arizona.

Clyde W. Tombaugh đứng ở cửa ra vào của đài quan sát Lowell, nơi anh đã sử dụng kính thiên văn phát hiện ra Sao Diêm Vương. Ảnh: www.aps.org

- Ngày 18-2-2006, vận động viên trượt băng tốc độ người Mỹ Shani Davis đã trở thành vận động viên da màu đầu tiên giành được huy chương vàng cá nhân tại Thế vận hội khi anh về nhất trong trận chung kết trượt băng tốc độ cự ly 1.000m nam tại Thế vận hội mùa Đông ở Turin, Italia.

- Ngày 18-2-2010, trang WikiLeaks bắt đầu đăng tải các tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ do Chelsea Manning, một chuyên gia phân tích tình báo trong Quân đội Mỹ, cung cấp. Sự kiện này đã trở thành vụ tiết lộ bí mật quốc gia lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Theo dấu chân Người

- Ngày 18-2-1922, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Phan Châu Trinh gửi từ Marseille. Cụ Phan là một nhà ái quốc lớn, lại là người có quan hệ thân tình trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Về tuổi tác và uy tín, Phan Châu Trinh tuy là bậc bề trên nhưng thực tiễn đã giúp Cụ nhận ra rằng con đường của mình đã không theo kịp thời đại và tương lai sẽ thuộc về Nguyễn Ái Quốc.

Trong thư Cụ đã thẳng thắn nói những khác biệt về đường lối, phê phán những điều mà mình cho là còn bất cập ... nhưng cũng rất chân thành nhận rằng: “Bây giờ tôi tự chim lồng cỏ chậu. Vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn...” và thừa nhận rằng: “Còn Anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông”.

- Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm tới các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh, vạch trần âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp và khẩn thiết yêu cầu các nước này: “Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương”. Người khẳng định: “chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp”, và đề nghị: “đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc”.

Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh: www.hochiminh.vn 

- Ngày 18-2-1947, Bác viết Thư gửi chính phủ và nhân dân Pháp, bày tỏ quan điểm về cuộc chiến phi lý của Pháp tại Việt Nam, đồng thời “yêu cầu Chính phủ Pháp tuyên bố rõ rệt chính sách của mình đối với nước Việt Nam…yêu cầu nhân dân Pháp bày tỏ ý kiến về cuộc xung đột đẫm máu và phi lý này”.

- Ngày 18-2-1951, Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ II họp tại xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ cương vị Chủ tịch Đảng.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 18-2-1958 (mồng 1 Tết Mậu Tuất), khi đến thăm và chúc Tết khu Việt Nam học xá (nay là cơ sở của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các sinh viên: “Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”.

Lời nhắc nhở đó không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đứctài trong nhân cách của một con người mà còn đòi hỏi mỗi sinh viên Việt Nam, chủ nhân tương lai của nước nhà, phải nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa đức tài, từ đó không ngừng trau dồi, rèn luyện để có cả hai yếu tố trên.

Đức chính là đạo đức, là tư cách tác phong, là lối sống, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng sống chân, thiện, mĩ... Tài chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kĩ năng, kĩ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp.

Tài đức là những phạm trù khác nhau nhưng gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Đức tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở nên hoàn thiện, phát huy tối đa năng lực bản thân trong quá trình làm việc và cống hiến.

Đức được coi là hàng đầu, là cái gốc của con người. Chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, làm việc không có mục tiêu, lý tưởng, không mang lại giá trị cho mọi người xung quanh mình và cho xã hội, thậm chí còn có thể làm hại, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Còn không có tài, tức là không có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nên làm việc gì cũng khó, cũng dễ hỏng việc. Tài ở đây còn có thể được hiểu là tài năng bẩm sinh, hoặc tài năng do học tập, rèn luyện mà có được.

Bác Hồ đến thăm và chúc Tết sinh viên khu Việt Nam học xá (nay là cơ sở của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) ngày 18-2-1958 (tức mùng 1 Tết Mậu Tuất). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Cách nói của Bác rất giản dị và cụ thể, giúp ta nhận thức đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của đức, của tài trong phẩm chất, năng lực của mỗi con người. Lời căn dặn ấy chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc các sinh viên Việt Nam khi đó không ngừng phấn đấu vươn lên rèn đức, luyện tài, vì ngày mai lập nghiệp, góp sức kiến thiết nước nhà, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tuy có nhiều thay đổi phức tạp, khó lường, khó khăn và thuận lợi luôn đan xen, nhiều thách thức đặt ra với sự nghiệp đổi mới, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lời căn dặn “Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó” của Bác vẫn còn giữ nguyên giá trị không chỉ với các sinh viên Việt Nam mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi quân nhân trong quân đội. Hiểu sâu sắc ý nghĩa lời dạy của Người, mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực học tập, rèn luyện cả đứctài; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác; nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

- Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 854 ra ngày 18-2-1961 đăng tin “Hồ Chủ tịch đến thăm Triển lãm sáng kiến về rèn luyện và cải tiến kỹ thuật toàn quân” kèm bức ảnh “Hồ Chủ tịch đang chăm chú theo dõi một cán bộ giới thiệu những sáng kiến của ngành hậu cần quân đội” tại triển lãm.

Cũng trên trang nhất số báo này, Báo Quân đội nhân dân đăng Lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồng bào nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-2-1961

- Báo Quân đội nhân dân số 1480 ra ngày 18-2-1965 có đăng tải nội dung: “Hồ Chủ tịch khen các đơn vị chiến thắng” và Thư của Hồ Chủ tịch gửi cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An.

Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-2-1965.
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết