A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển giao thông thông minh tại Thủ đô

Hiện nay, số lượng phương tiện giao thông của TP Hà Nội ngày một tăng cao. Điều này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác duy trì, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý để phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) được kỳ vọng là giải pháp giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

 Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện giao thông

TP Hà Nội hiện có hơn 23.000km đường bộ; 537 cầu các loại với tổng chiều dài 61km; kết cấu hạ tầng giao thông khung đã và đang được hình thành theo quy hoạch bao gồm 7 tuyến vành đai. Mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch có 10 tuyến, tương ứng 417km, hiện mới hình thành và đưa vào khai thác được 22/417km theo quy hoạch, trong đó, tuyến 2A đoạn Cát Linh-Hà Đông có chiều dài 13,5km; tuyến Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao có chiều dài 8,5km.

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ của TP Hà Nội đến nay có hơn 8,1 triệu phương tiện, trong đó khoảng 1,1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Cùng với đó là 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông tại TP Hà Nội trung bình khoảng 4-5%/năm. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị của Hà Nội theo quy hoạch là 20-26%, nhưng hiện tại mới đạt khoảng 12%; đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1% trong khi quy hoạch là 3-4%.

Điểm đỗ xe ứng dụng công nghệ số tại phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình. 

Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân; tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được kiểm soát và đang đặt ra những thách thức lớn với ngành giao thông thành phố. 

Vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc là ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông. Theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Đỗ Việt Hải, trong những năm gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như tổ chức giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một số ứng dụng thông minh phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe buýt, đây được xem là tiền đề để triển khai hệ thống ITS trong thành phố.

Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống ITS là yếu tố quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, ITS là một hệ thống giao thông hiện đại, sử dụng các công nghệ tiên tiến như thông tin, truyền thông, máy tính, điều khiển trong quản lý, giám sát, điều hành, điều khiển phương tiện trên cơ sở tăng cường khả năng liên kết giữa 3 yếu tố là con người, phương tiện và cơ sở hạ tầng giao thông. Theo đó, khi phát triển hệ thống sẽ tập trung vào ứng dụng các công nghệ tiên tiến về viễn thông, máy tính, cảm biến để nâng cao an toàn, hiệu quả và tính bền vững của hệ thống giao thông. 

Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cũng xác định mục tiêu cụ thể cho 3 giai đoạn phát triển hệ thống ITS. Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2025 đến 2027 sẽ hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp 9 chức năng gồm giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông thông qua ứng dụng Hanoi Maps; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. Đồng thời, triển khai lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại các nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 bao gồm camera, hệ thống quản lý camera và tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng. 

Tiếp đó, giai đoạn 2 từ năm 2028 đến 2030 sẽ thực hiện bổ sung thêm 3 chức năng của trung tâm là quản lý vận tải; quản lý nhu cầu; mô phỏng giao thông. Giai đoạn 3 từ sau năm 2030, ở giai đoạn này, trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng thêm 12 chức năng quản lý.

Hoạt động triển khai hệ thống ITS được TP Hà Nội kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như tăng cường an toàn giao thông, tiện nghi cho người tham gia giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG


Tags: giao thông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật