A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022: Công nghiệp phục hồi, thương mại sôi động

Sáng nay 29/10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phiên họp Chính phủ nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 nhằm rút ra kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo điều hành từ nay đến cuối năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã đề ra theo tinh thần lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị đối với tình hình kinh tế-xã hội đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cách đây 1 năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; khi đó, chúng ta phải phải phòng, chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, nhìn lại 10 tháng qua, tình hình đã khác, có nhiều biến động so lúc xây dựng kế hoạch năm 2022 mà chưa lường hết được.

Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, kinh nghiệm, đóng góp báo cáo, nhận định, đánh giá tình hình để có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp đồng thời thông qua Nghị quyết phiên họp để lãnh đạo, điều hành trong tháng 11 và 12, kết thúc năm 2022 thắng lợi, đạt các mục tiêu đề ra.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022: Công nghiệp phục hồi, thương mại sôi động

Quang cảnh phiên họp

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch đầu tư, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022, tình hình kinh tế xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm; cơ bản cung cấp đủ điện, xăng dầu; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,8% so tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế. Tỷ giá được điều hành phù hợp, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ.

Vốn FDI thực hiện 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD tăng 15,2%, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế trong ngắn hạn và tăng năng lực sản xuất mới.

Nhiều vấn đề đột xuất được tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả: điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; các cấp các ngành tập trung nguồn lực, cân đối đủ vốn cho các dự án, công trình quan trọng.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Trong đó IMF, Ngân hàng Standard Chartered, HSBC, Ngân hàng Singapore UOB dự báo mức tăng lần lượt là 7%, 7,5%, 7,6% và 8,2%. /.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết