A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng hiệu quả quỹ đất khi xây dựng đường vành đai

Cùng với xem xét chủ trương đầu tư hai tuyến đường vành đai ở vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, một vấn đề cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm là quy hoạch sử dụng quỹ đất dọc theo các tuyến đường này.

Việc xây dựng các tuyến đường vành đai sẽ mở ra không gian rất lớn cho phát triển đô thị, đồng thời, nếu được quy hoạch hợp lý, quản lý tốt, sử dụng hiệu quả, quỹ đất hai bên đường sẽ thu hút nguồn lực không nhỏ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế các tuyến đường vành đai ở Hà Nội cho thấy, cần tránh việc xây dựng nhà ở, khu đô thị ồ ạt “ăn theo” đường vành đai, vừa làm biến dạng bộ mặt đô thị, vừa tạo sức ép lên hệ thống cơ sở hạ tầng, là tác nhân gây ùn tắc giao thông.

Đường Vành đai 4 chậm triển khai khiến áp lực giao thông càng đè nặng lên đường Vành đai 3. Ảnh: laodongthudo.vn 

Khi thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, hiện nay áp lực giao thông vào đường vành đai 3 Hà Nội là rất lớn, tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội mà việc lưu chuyển hàng hóa từ khu vực phía Nam lên phía Bắc cũng bị ách tắc. Theo đại biểu, trong vài tháng qua đất đai ở khu vực dự kiến xây dựng đường vanh đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội giá tăng lên rất nhiều. Vì vậy, nguồn lực đất đai nếu không có biện pháp khai thác sẽ bị lãng phí, rơi vào tay cá nhân.

Để sử dụng hiệu quả nguồn lực mang lại từ phát triển cơ sở hạ tầng, cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai cũng cần thiết phải có quy hoạch khu vực hai bên đường, góp phần hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường kết nối trong khu vực. Căn cứ vào quy hoạch sẽ có các phân khu chức năng cụ thể, có thể tổ chức đấu thầu dự án, khai thác quyền sử dụng đất, từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, cần hạn chế dồn nén dân cư vào khu vực trung tâm đô thị bằng việc mở ra các đô thị vệ tinh kết nối với nhau thông qua các tuyến đường vành đai. Việc xây dựng đô thị vệ tinh đã được xác định trong quy hoạch xây dựng Hà Nội nhưng các đô thị này chưa thể hình thành vì thiếu hệ thống giao thông kết nối. Khi điểm nghẽn này được khơi thông sẽ tạo điều kiện để thu hút người dân đến các đô thị vệ tinh cùng với tạo việc làm, phát triển các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ.

Các tuyến đường vành đai đang được đề xuất xây dựng tại vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Để bảo đảm tốc độ lưu thông cũng như an toàn cho phương tiện, cần hạn chế giao cắt khi xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, trong quy hoạch các tuyến đường này cần lưu ý đến việc xây dựng các đường gom, tránh tình trạng đường dân sinh đấu nối trực tiếp vào cao tốc, như vậy, vừa có thể phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực hai bên đường, đồng thời, không ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện trên đường cao tốc, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

MẠNH HƯNG


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết