Tán thành với sự cần thiết và nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Ngày 27-3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã tán thành với sự cần thiết và nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tham dự hội nghị, về phía Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành luật và nhiều nội dung cơ bản của dự thảo luật.
Dự thảo luật trình các đại biểu Quốc hội tại hội nghị có 7 chương, 84 điều, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV) đã bỏ 7 điều, bổ sung mới 18 điều, bổ sung Mục 7 vào Chương II về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bố cục các mục mới về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; ngân sách bảo đảm và dự trữ vật tư cho động viên công nghiệp; chế độ chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đồng thời, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương cho hợp lý, thống nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung hội nghị thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. |
Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công nghiệp, trong đó đã mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; về sản phẩm động viên công nghiệp, sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; đối tượng sử dụng sản phẩm; chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời bình.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp, làm chủ vũ khí hiện đại...
Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), đồng thời, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong chương, cơ bản hợp lý, thống nhất. Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với một số quy định được bổ sung tại dự thảo luật như quy định về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh; tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Các ý kiến phát biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật nhằm bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật và các tài liệu theo đúng quy định, trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV).