Tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông
Sáng 14/11, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị tại Sở Giao thông vận tải.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc |
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Một số tuyến hè phố bị chiếm dụng
Báo cáo đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo cho biết: Từ năm 2020 đến nay, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận hành các tuyến buýt; tham mưu báo cáo Thành ủy, UBND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến lĩnh vực giao thông - vận tải đề xuất đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sở tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quy trình thiết kế, thi công, nghiệm thu trạm kiểm soát tải trọng tự động…
Về tổ chức, điều hành giao thông, Sở đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng, điều chỉnh giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm; phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước; hoạt động đi lại của Nhân dân trong các dịp lễ tết, lễ hội lớn... Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, linh hoạt với nhiều giải pháp tích cực, phát huy hiệu quả.
Theo quy hoạch, có 1.620 bãi đỗ xe công cộng (gồm 73 bãi xe ngầm) nhưng hiện tại mới triển khai đầu tư 96 dự án, trong đó 18 dự án đã hoàn thành xây dựng.
Đối với công tác quản lý hè phố, lòng đường và trông giữ phương tiện, Sở đã ban hành quy trình nội bộ giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) đối với việc cấp phép, gia hạn cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ xe theo phân cấp. Sở chủ trì phối hợp Công an thành phố, UBND cấp huyện liên quan, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ để tổ chức xem xét điều chỉnh, thay đổi phương án tổ chức giao thông trên các tuyến đường quản lý (thu hồi vị trí cấp phép lòng đường để trông giữ xe nếu có bất cập về giao thông và tiềm ẩn ùn tắc giao thông), qua đó góp phần giữ gìn trật tự đô thị.
Tuy nhiên, tình tình giao thông trên địa bàn thành phố còn diễn ra phức tạp. Các tuyến đường sắt đô thị đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch do nguồn lực còn hạn chế. Hiện tại, mới đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) dự kiến đưa vào vận hành vào tháng 6/2024.
Một số vị trí cấp phép trên vỉa hè còn bất cập, chưa phù hợp với việc tổ chức giao thông, không bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực. Một số tuyến hè phố còn bị chiếm dụng để trông giữ xe, buôn bán không dành lối đi cho người đi bộ gây nguy cơ mất an toàn giao thông...
Do vị trí, địa điểm bố trí dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút nên việc kêu gọi đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra, kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn, thời gian thu hồi vốn và khả năng thu hồi vốn khó khả thi, dẫn đến nhà đầu tư chưa quan tâm tham gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, những năm qua, thành phố rất quan tâm đầu tư xây dựng công trình giao thông, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu. Trong đó, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, đường xuyên tâm cũng chưa thông suốt. Áp lực lưu lượng phương tiện giao thông gia tăng, dân số đông... nên dù có quan tâm đầu tư nguồn lực (65% ngân sách đầu tư công cho dự án giao thông cấp thành phố giai đoạn 2021-2025) cũng chưa giải quyết hết khó khăn nội tại.
Đầu tư phát triển mạnh giao thông tĩnh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đề xuất HĐND thành phố, thời gian tới quan tâm bố trí vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với tỷ trọng cao nhất; đầu tư dự án tổng thể cho đường sắt đô thị; phát triển mạnh giao thông tĩnh.
Về tổ chức giao thông, đồng chí Dương Đức Tuấn khẳng định, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức giao thông căn cơ hơn, kết hợp các lực lượng từ thành phố đến các địa phương, qua đó xử lý các “điểm đen” về giao thông.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: Thời gian qua, thành phố quan tâm, bố trí nguồn lực cho giao thông, nên các tuyến giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 2, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có kết quả, trong đó có sự cố gắng của ngành Giao thông Vận tải thành phố.
Ghi nhận Sở Giao thông vận tải đã rất cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở đánh giá kỹ tồn tại, hạn chế của ngành, từ đó đưa ra biện pháp, phương hướng trong thời gian tới. Trọng tâm là Sở rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ, lĩnh vực được phân cấp, đưa ra các giải pháp, tầm nhìn dài hạn, nhất là công tác chuẩn bị nguồn lực, đề xuất những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, phương án tổ chức giao thông nội đô…
Trong công tác quản lý, điều hành, ứng dụng khoa học công nghệ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, Sở Giao thông vận tải tập trung vào một số dự án, công trình trọng điểm như đường sắt đô thị, các tuyến giao thông trọng điểm, đèn tín hiệu giao thông… Cùng với đó, Sở cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng việc chấp hành pháp luật về giao thông, tạo kỷ cương trong quản lý lĩnh vực này; tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu; tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè; tháo gỡ khó khăn trong triển khai bãi đỗ xe ngầm; nghiên cứu xây dựng bãi đỗ xe cao tầng…
Đối với các kiến nghị của Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn giao các ban HĐND thành phố và Sở, ngành liên quan tổng hợp, tham mưu thành phố chỉ đạo kịp thời.