A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội

Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được thành phố triển khai, trong đó, phải kể đến các tuyến đường vành đai với vai trò là trục chính kết nối, vừa giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, vừa mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, đẩy mạnh liên kết vùng.

Đồng bộ hạ tầng, tăng cường kết nối

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội đang đếm ngược từng ngày đến mốc thông xe. Vành đai 2 là tuyến đường vành đai khép kín, đi qua nhiều quận trung tâm của Hà Nội, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nên thường xuyên phải đón lượng phương tiện rất lớn.

Được khởi công từ tháng 4-2018, đường Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở khi hoàn thành sẽ cùng tuyến đường dưới thấp góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tăng năng lực lưu thông, giúp phương tiện đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã cơ bản hoàn thành. Quá trình triển khai, các đơn vị thi công thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", đoạn trên cao triển khai đến đâu, phần đường dưới thấp cũng hoàn thành theo để bảo đảm khi đưa vào khai thác được đồng bộ.

 Đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở (TP Hà Nội) chuẩn bị đưa vào khai thác. Ảnh: PHẠM HÙNG

Với việc mở rộng phần đường dưới thấp và thông xe đoạn trên cao, sau đó, đến giữa năm 2023 dự kiến hoàn thành cầu Vĩnh Tuy 2, tuyến đường Vành đai 2 sẽ tăng đáng kể năng lực lưu thông. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là nút giao ngã tư Sở hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc, trở thành "nút cổ chai" khi lượng phương tiện đổ về quá lớn.

Điều này đặt ra nhu cầu cần tiếp tục nối dài Vành đai 2 trên cao từ ngã tư Sở đến Cầu Giấy. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, dự án mở rộng đường Vành đai 2 từ ngã tư Sở đến Cầu Giấy đã được Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội đưa vào danh mục đề xuất triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, dự án đang được đơn vị tư vấn nghiên cứu, hoàn thiện để báo cáo Sở GTVT TP Hà Nội. Bên cạnh tuyến Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp từ ngã tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy, trong quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy. Quy mô của đoạn đường trên cao này sẽ tương tự như đoạn từ ngã tư Sở đến ngã tư Vọng. Nếu được quan tâm đầu tư, đoạn tuyến này sẽ giúp nối liền tuyến đường trên cao song hành của Vành đai 2, khắc phục các điểm nghẽn như hiện nay.

Từ thực tế khai thác các tuyến đường vành đai như Vành đai 2, Vành đai 3 cho thấy, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng, để các tuyến đường này phát huy hiệu quả, hạn chế ùn tắc giao thông cần có phương án tổ chức giao thông khoa học, hạn chế các điểm giao cắt, xung đột. Đồng thời, phải có phương án phân luồng, điều tiết giao thông hợp lý, nhất là vào các khung giờ cao điểm khi lưu lượng phương tiện tăng cao.

Mở rộng không gian phát triển

Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn thành phố và một số địa phương lân cận. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 112,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công-tư (PPP). Trong đó, đoạn tuyến đi qua Hà Nội có chiều dài hơn 58km, nằm trên địa bàn 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.

Hà Nội xác định, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô là một trong các cực tăng trưởng của cả nước, phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa. Tuyến đường cũng là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư.

Để triển khai dự án thuận lợi, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha, trong đó: Đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha, đất ở khoảng 58ha và đất khác khoảng 209ha.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng của dự án trong tháng 6-2023, hoàn thành toàn bộ trong tháng 12-2023; tập trung thi công để cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Tiến độ cập nhật đến hết tháng 11-2022, các quận, huyện đã lập xong phương án GPMB tổng thể, xác định vị trí các khu tái định cư, thành lập hội đồng GPMB, tái định cư và đang kiểm đếm, dự thảo phương án. Nhấn mạnh thời gian thực hiện GPMB không còn nhiều, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị các quận, huyện cùng các sở, ngành liên quan ưu tiên toàn tâm toàn lực cho công tác này, bảo đảm quyền lợi cho người dân, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của dự án đường Vành đai 4 phải tính từng ngày.

Trực tiếp khảo sát thực địa dự án đường Vành đai 4, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra phía trước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác GPMB, tái định cư; tiến độ đòi hỏi cũng rất cao.

Các địa phương trong vùng dự án cần tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách làm của nhau để tháo gỡ; vận dụng các giải pháp bảo đảm đúng quy định pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp thường xuyên, cộng đồng trách nhiệm, bám sát chặt chẽ hơn nữa từng công việc, thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần; đồng thời lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa, kịp thời kiến nghị tháo gỡ. Cùng với đó, cần tích cực vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để nhân dân đồng hành, ủng hộ dự án.


Tags: giao thông
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết