Thái Bình thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao
Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn cả trong nước và ngoài nước. Thời gian qua, Thái Bình nỗ lực thúc đẩy nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu, hợp tác sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Mới đây, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. 3 dự án nói trên nằm trong số 30 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trong Chương trình xúc tiến đầu tư vùng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình (bên trái) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. |
Đó là dự án của Công ty TNHH Compal Electronics (Việt Nam), tổng vốn đầu tư hơn 6.466 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 40ha tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu kinh tế Thái Bình. Tiếp đó là dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện (là vật liệu để sản xuất linh kiện điện tử) của Công ty ET Solar Power HongKong Limited, tổng vốn đầu tư hơn 3.490 tỷ đồng tại Cụm công nghiệp An Ninh, xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Cùng với đó là dự án đầu tư nhà máy kéo sợi công nghệ cao công suất 15.000 tấn/năm, vốn đầu tư hơn 736 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý, tại xã Quang Minh, huyện Vũ Thư.
Gần đây nhất, ngày 15-2, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh chính thức động thổ Khu công nghiệp Hải Long, Khu kinh tế Thái Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư hạ tầng 2.214 tỷ đồng. Nhà đầu tư cam kết sẽ quyết tâm xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, trở thành khu công nghiệp xanh, thu hút các dự án thứ cấp có quy mô lớn, tỷ suất đầu tư cao, công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường vào khu công nghiệp hoạt động. “Khu công nghiệp Hải Long sẽ góp phần bổ sung quỹ đất công nghiệp của tỉnh Thái Bình, kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”-ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh chia sẻ.
Theo các nhà đầu tư, Thái Bình đang là mảnh đất lành thu hút họ nhờ lợi thế hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và môi trường đầu tư minh bạch. Địa phương này đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhiều doanh nghiệp đến đầu tư công nghệ cao vào các khu kinh tế, như chính sách về giá thuê đất; hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đào tạo lao động... Đáng chú ý, mặc dù tạo ra hệ sinh thái hấp dẫn để thu hút đầu tư song Thái Bình không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến mà chủ động xúc tiến quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài. Trong năm 2022, tỉnh đã thành lập 5 đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, ngoài giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư của tỉnh, tại các cuộc xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng khẳng định và cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư, triển khai dự án và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ những nỗ lực đó, bức tranh thu hút đầu tư của Thái Bình thực sự tươi mới và khởi sắc. Năm 2022, tổng số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh đạt 33.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2021.