A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi cơ chế để Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ Quốc gia hoạt động hiệu quả hơn

Tại buổi họp báo thường kỳ quý II-2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) diễn ra chiều 4-7, lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; phát triển khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo và những nghiên cứu khoa học mới.

Tạo thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển

Liên quan đến thay đổi cơ chế để Quỹ phát triển KH&CN hoạt động hiệu quả hơn, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia thông tin, bản chất của khoa học là đi tìm kiếm, khám phá cái mới nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và không đạt, không đúng với dự kiến ban đầu.

Để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu thì cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ, trong 10 năm đầu khi đi vào hoạt động, quỹ có cơ chế đặc biệt để tài trợ, hỗ trợ theo thông lệ quốc tế giảm thời gian cho các nhà khoa học. Kể từ năm 2017 một số quy định mới ra đời, dẫn đến cơ chế của quỹ không được thuận lợi như giai đoạn trước do đó không còn thuận lợi đối với các nhà khoa học.

Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia phát biểu tại họp báo.

“Giải quyết vấn đề này, Bộ KH&CN đã có nhiều giải pháp trong đó có việc đề xuất điều chỉnh Luật KH&CN với hai hướng là đơn vị sự nghiệp nhưng được một số cơ chế đặc thù về tài chính hoặc quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhưng vẫn cấp bổ sung vốn hằng năm. Về bản chất việc tài trợ, nghiên cứu khoa học nâng cao năng lực quốc gia vẫn được Nhà nước hỗ trợ bổ sung hàng năm và được giải quyết các vấn đề chậm trễ vẫn đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính thuận lợi cho các nhà khoa học”, ông Phạm Đình Nguyên cho biết.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, cùng với các hoạt động khoa học và công nghệ nổi bật, trong quý II-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 4-5-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ. 

Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan được Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực triển khai. Theo đó, Bộ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia tiếp tục hỗ trợ trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Quyết định phê duyệt danh sách thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, quý III-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); báo cáo Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7-2024.

Liên quan đến các hoạt động phối hợp với các cơ quan, địa phương, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong quý II-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan, địa phương nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức các buổi làm việc với nhiều địa phương như: Bắc Kạn, Gia Lai, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Tĩnh... nhằm đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi họp báo. 

Về hàng giả, hàng nhái khi thương mại điện tử phát triển, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mang lại cho xã hội nhiều lợi ích, nhưng cũng rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn có tính toàn cầu, bao gồm cả ở Việt Nam, là giải quyết hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử. Thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý và giảm bớt tình trạng này. Trong đó việc đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Gần đây chủ trì xây dựng Nghị định số 46 sửa đổi Nghị định số 99 về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN phát biểu tại họp báo.

Thanh tra Bộ KH&CN được giao chủ trì sửa đổi Thông tư số 11 (hướng dẫn thực hiện nghị định về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp). Việc sửa đổi Thông tư số 11, Bộ KH&CN mong muốn giải quyết tốt hơn, hoàn thiện cơ sở pháp lý và hành lang pháp lý cho xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử.


Tags: Khoa học
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết