Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trưng bày di sản văn hóa, tinh hoa đạo học của Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND TP Hà Nội phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau” và “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học Việt Nam” tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Tham dự lễ khai mạc có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, cùng lãnh đạo các Sở, ngành hai TP.

Các đồng chí Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cắt băng khai mạc Triển lãm.
Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cắt băng khai mạc triển lãm

Khai mạc triển lãm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Văn miếu Quốc tử giám

Khai mạc triển lãm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Văn miếu Quốc tử giám

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã được bồi đắp, hun đúc nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đất kinh kỳ, tỏa sáng mọi miền của Tổ quốc.

Triển lãm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Văn Miếu

Ngày nay, Thăng Long - Hà Nội vẫn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, những di tích lịch sử văn hóa quý giá, tạo nên bản sắc và nguồn lực sáng tạo cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Chặng đường lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội là quá trình tiếp nối truyền thống, tạo nên những dấu ấn lịch sử của Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, qua 70 năm xây dựng và phát triển.

đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc

Đồng chí Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc

Theo đó, triển lãm sẽ đem đến cái nhìn toàn cảnh về kiến trúc và giá trị văn hóa - lịch sử của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, công trình đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đồng thời, triển lãm "Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tinh hoa đạo học" giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ thêm hiểu về giá trị tiêu biểu của đạo học Việt Nam, tiếp cận những di sản cha ông dưới góc nhìn bằng công nghệ hiện đại.

Ngay sau lễ khai mạc, lãnh đạo hai TP đã tham quan khu triển lãm.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày
Các đại biểu tham quan khu trưng bày

Buổi triển lãm đã đem đến những mẫu cổ vật của Hoàng thành thời Hậu Lê được khai quật tại khu di tích, các mẫu gạch cổ qua các thời kỳ xây dựng Hoàng thành Thăng Long...

Các đại biểu cũng được xem lại cảnh các thí sinh tham gia các kỳ thi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ AI hiện đại. Đặc biệt "cụ rùa" AI “làu thông kinh sử” có thể giải đáp mọi thắc mắc...

Công nghệ AI được sử dụng tại triển lãm
Công nghệ AI được sử dụng tại triển lãm

Dịp này, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng đã trao tặng Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh món quà ý nghĩa là phiên bản Trống đồng Cổ Loa - bảo vật quốc gia, biểu trưng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc. Phiên bản được trưng bày trong không gian chung của triển lãm tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Ngày 1/8/2010, UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám tọa lạc tại phía Nam của kinh thành Thăng Long. Quần thể di tích là nơi tập trung những kiến trúc đặc sắc như hồ Văn, vườn Giám và Văn Miếu. Đây được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn miếu là nơi thờ 3 vị vua anh minh của dân tộc: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật