Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong tăng nhanh
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ tháng 5-2022 cho đến nay, tại bệnh viện đã ghi nhận 15 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó, ca ít tuổi nhất là 13 tuổi, nhiều tuổi nhất là 82 tuổi.
Đáng chú ý, các trường hợp tử vong đều do nhập viện muộn.
Tính đến ngày 25-11, cả 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng; trung bình mỗi ngày có khoảng 10-20 ca nhập viện.
Các bác sĩ cho rằng, diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay khác với mọi năm. Cụ thể, năm nay có nhiều ca bệnh đi vào sốc nhiễm trùng sớm từ ngày thứ 3 - 5 (trong khi mọi năm thường là ngày thứ 5 - 7).
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sốc nhiễm trùng được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC |
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, trong đó có 4 ca ngưng tim. Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân 22 tuổi, có dấu hiệu thừa cân, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng rất nặng, gồm: Sốc, xuất huyết, thiếu máu nặng và đã từng một lần ngừng tim. Dù các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức để điều trị, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Tuần trước đó, bệnh viện ghi nhận 2 ca tử vong, đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai đã rơi vào tình trạng sốc, vật vã. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, chạy ECMO (hồi sức tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả 2 tử vong sau 6 ngày điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong, bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết, do không ít bệnh nhân chủ quan, không đến viện kịp thời. Bên cạnh đó, trước sự lưu hành của nhiều bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân có thể đồng nhiễm nhiều bệnh và các bác sĩ tuyến dưới có thể chẩn đoán nhầm bệnh lý dẫn tới không điều trị đúng.
Về bệnh sốt xuất huyết diễn biến trở nặng nhanh, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không hề xuất huyết nhưng vẫn bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong.
PGS, TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, cần đi khám, xét nghiệm, có sự giám sát của bác sĩ. Người dân nếu điều trị sốt xuất huyết tại nhà phải theo dõi sát sao, khi thấy có các dấu hiệu như: Mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… cần nhập viện để được các bác sĩ chẩn đoán, xét nghiệm chính xác tình trạng bệnh.