A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh xá đảo Phan Vinh: "Điểm tựa" vững vàng cho bộ đội và ngư dân

Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ khám chữa bệnh, cấp cứu và điều trị còn nhiều thiếu thốn, song, bằng tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn vững, các y sĩ, bác sĩ Bệnh xá đảo Phan Vinh luôn nỗ lực vượt khó khăn, cứu sống nhiều trường hợp là bộ đội, ngư dân đánh bắt trên các ngư trường thuộc Quần đảo Trường Sa.

Chúng tôi đến Bệnh xá đảo Phan Vinh đúng hôm biển lặng gió, trời nắng to, độ ẩm cao làm cho không khí trên đảo càng thêm nóng nực, khó chịu. Bệnh xá của Đảo vốn nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội. Trao đổi với đồng chí Thượng tá, bác sĩ Trịnh Thiện Kế, Bệnh xá trưởng được biết, chỉ trong gần 1 tuần, Bệnh xá đã mổ cấp cứu 3 bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Trong đó, ca cấp cứu bệnh nhân Hồ Sỹ Thủy, 61 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Thuận là khó nhất. Bệnh nhân là thuyền viên được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng. Qua khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 11 và quyết định mổ ngay. Khi mổ, bác sĩ phát hiện manh tràng cao hơn bình thường khoảng 4 cm, ruột thừa quặt ngược sau manh tràng, có biểu hiện viêm mủ và hình thành giả mạc. Nhận định đây là ca phức tạp, nhưng với bề dày kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ Trịnh Thiện Kế cùng kíp mổ thực hiện thành công bằng kỹ thuật cắt ruột thừa ngược dòng, nhân Hồ Sỹ Thủy xúc động nói: “Tôi là lao động theo tàu đi biển, bị viêm ruột thừa là gần như bước vào cửa tử. Rất may, tôi được đưa vào Bệnh xá đảo Phan Vinh cấp cứu kịp thời. Cảm ơn các y sĩ, bác sĩ ở đây rất nhiều”.

Một ca cấp cứu điển hình khác là trường hợp ngư dân Phạm Thế Nhân, 48 tuổi, quê ở xã Bình Sơn, huyện Bình Chánh, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền viên tàu cá QNg95456. Trong đêm, khi đang đánh bắt hải sản, anh bị cá hố cắn vào cổ tay phải, gây chảy nhiều máu, rất khó duỗi thẳng tay. Sau khi được đồng nghiệp băng bó, cầm máu tạm thời, bệnh nhân được chuyển gấp đến Bệnh xá đảo Phan Vinh vào sáng sớm ngày hôm sau. Tình trạng vết thương sâu, đứt tĩnh mạch, đứt gân cơ duỗi cổ tay. Các y bác sĩ nhanh chóng triển khai kíp mổ, cắt lọc vết thương, cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Tâm sự với chúng tôi, bệnh khâu nối gân, thắt buộc mạch máu, sau đó dùng nẹp cố định và điều trị bằng thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề... Sau 3 ngày, vết mổ khô, sức khỏe bệnh nhân ổn định nên được các y bác sĩ cấp phát thuốc uống hằng ngày và giải quyết trở lại tàu. Đây là 2 ca bệnh điển hình trong rất nhiều trường hợp được các y bác sĩ Bệnh xá đảo Phan Vinh kịp thời cứu chữa, điều trị trong thời gian gần đây.

 Đồng chí Thượng tá, bác sĩ Trịnh Thiện Kế thăm khám bệnh nhân điều trị sau mổ ruột thừa.

Là bệnh xá đảo cấp I, không chỉ bảo đảm y tế cho đảo Phan Vinh mà còn là tuyến sau, đảm nhiệm cứu chữa cơ bản cho các đảo lân cận như: Thuyền Chài, Núi Le, Tốc Tan, Tiên Nữ… Các đảo, điểm đảo nằm rải rác, cách xa nhau, nếu vận chuyển bệnh nhân bằng tàu biển mất nhiều thời gian, vất vả. Vì vậy, từ các đảo khác chuyển đến cần sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của nhiều lực lượng. Như trường hợp ca bệnh viêm ruột thừa cấp của đồng chí Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Minh Châu, Nhân viên cơ công, đang công tác tại điểm đảo Thuyền Chài A. Khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng dưới bên phải, sốt nhẹ, được bác sĩ trên đảo chẩn đoán lâm sàng bị viêm ruột thừa cấp. Ngay lập tức, chỉ huy đảo Thuyền Chài A liên lạc với Bệnh xá đảo Phan Vinh và chỉ huy Tàu Kiểm ngư KN 408 đang làm nhiệm vụ gần đó để chuyển tuyến. Sau gần 10 giờ di chuyển, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Phan Vinh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 27. Nếu không có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, quân y xử trí nhanh chóng, chính xác thì khả năng cao bệnh nhân sẽ bị vỡ ruột thừa, gây biến chứng nguy hiểm. Sau 2 giờ, ca mổ thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Nói về những khó khăn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và ngư dân, đồng chí Thượng tá, bác sĩ Trịnh Thiện Kế cho chúng tôi biết thêm: “Trước đây, Bệnh xá được thiết kế, trang bị vật chất, phương tiện khám điều trị đối với đảo cấp III, nên cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh và bảo đảm đời sống cho y bác sĩ còn hạn chế. Ngoài 2 phòng được bố trí là nơi sinh hoạt của y bác sĩ, Bệnh xá có 3 gian nhà cấp IV đã xuống cấp, vừa làm phòng khám, phòng mổ và phòng điều trị. Do đó, khu vực làm việc chật hẹp, có những lúc quá tải, y bác sĩ phải chuyển xuống ngủ dưới hầm để nhường giường cho bệnh xá chưa được lắp đặt các máy hỗ trợ khám chữa trị cơ bản như: Monitor theo dõi chỉ số sống, máy chụp X quang... hạn chế năng lực khám chữa bệnh, nhất là đối với trường hợp chấn thương xương, khớp phải hoàn toàn dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác, đặc biệt là các chấn thương rạn xương, gãy xương không di lệch. Mặt khác, do môi trường hoạt động đặc thù nên cơ cấu bệnh ở đây cũng rất phức tạp. Bên cạnh các ca bệnh thông thường còn có nhiều ca chấn thương do tai nạn lao động, bị cá dữ cắn hay ngộ độc do ăn uống... Trong khi đó, Bệnh xá không có nhiều trang thiết bị chuyên dụng hiện đại hỗ trợ chẩn đoán, điều trị như trong đất liền, nên các bác sĩ, y sĩ phải có khả năng chẩn đoán, xử trí tình huống tốt. Do vậy, trước khi ra công tác tại đảo, các y, bác sĩ đều được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung chuyên môn nhằm nâng cao khả năng độc lập khám chữa bệnh.

Thời gian gần đây, được sự quan tâm của cấp trên, địa phương, các tổ chức trong và ngoài Quân đội, Bệnh xá được bổ sung, lắp đặt nhiều trang thiết bị y tế mới, hiện đại như: máy siêu âm, dụng cụ đặt nội khí quản, đặc biệt là hệ thống Telemedicine kết nối giữa Bệnh xá với Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3)… đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực khám chữa bệnh, cấp cứu và điều trị của Bệnh xá.

Qua trao đổi với đồng chí Trung tá Nguyễn Quang Trung, Đảo trưởng đảo Phan Vinh, chúng tôi được biết: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các y bác sĩ đã nỗ lực vượt khó, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị cho bộ đội và ngư dân, mà còn thường xuyên tiến hành công tác điều trị dự phòng và vệ sinh phòng dịch trên đảo, là lực lượng nòng cốt giáo dục sức khỏe, huấn luyện quân y cho bộ đội. Trong năm 2022, Bệnh xá thực hiện khám, cấp thuốc, điều trị hàng trăm ca. Tỷ lệ quân số khỏe đạt 99,2%, vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đó góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của đảo”.

Giữa khó khăn, thử thách ở nơi đầu sóng, ngọn gió, những suy nghĩ, việc làm của những y, bác sĩ nơi đây đã làm ngời sáng lên phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi ca bệnh được cứu chữa kịp thời là niềm tự hào, tiếp thêm động lực, quyết tâm để các y bác sĩ nỗ lực tiếp tục cống hiến, chăm lo bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và Nhân dân, để Bệnh xá đảo Phan Vinh thực sự là điểm tựa vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, bà con ngư dân vươn khơi bám biển, xây dựng và bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết