Cảnh báo gia tăng bệnh dại ở các tỉnh miền Trung
Thời gian qua, một số địa phương ở miền Trung ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại. Điều đáng nói, các trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại, hoặc có tiêm nhưng không đúng, đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế. Ngoài ra, tình trạng chó, mèo... không được tiêm phòng hoặc nuôi nhốt không đúng quy định cũng là nguyên nhân và nguy cơ cao gia tăng bệnh dại.
Tử vong do chủ quan
Ngày 14-7, anh NTH ở phường Đồng Sơn (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) tử vong sau 3 ngày phát bệnh dại. Người thân của anh NTH cho biết, cách đây hơn 4 tháng, anh NTH bị chó nhà hàng xóm cắn ở vị trí ngón trỏ bàn tay phải; vết thương tuy không sâu nhưng chảy máu. Nghĩ chó cắn là bình thường nên anh NTH không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Nguyên nhân tử vong của anh NTH được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình công bố sau đó đã khiến người dân lo lắng. Bởi trước đó, vào ngày 21-5-2023, cháu NGH, 3 tuổi ở xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng tử vong vì nguyên nhân tương tự.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, từ năm 2020 đến nay, có 10 trường hợp tử vong do bệnh dại tại các địa phương trong tỉnh; trong đó, từ tháng 5-2022 đến nay có 6 trường hợp tử vong.
Không chỉ tại Quảng Bình, tình trạng gia tăng các ca tử vong do bệnh dại cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 2-7, cả nước có 41 ca tử vong do bệnh dại. Tại tỉnh Gia Lai, chỉ trong 6 tháng đầu năm, 8 người đã bị chết do chó dại cắn; đây cũng là địa phương có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An có 3 người bị chết do bệnh dại trong thời gian gần đây.
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình tư vấn cho người dân cách phòng, tránh bệnh dại. |
Tỉnh Quảng Bình và các tỉnh miền Trung đang ở giai đoạn cao điểm nắng nóng, số lượng vật nuôi như chó, mèo phát bệnh dại tăng cao. Có mặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình những ngày gần đây, chúng tôi thấy rất nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh đến tiêm vaccine phòng bệnh dại. "Vào mùa nắng nóng, hệ thần kinh của vật nuôi như chó, mèo không ổn định, cơ thể của chúng cũng mệt mỏi, sức đề kháng bị giảm sút, do đó virus mang mầm bệnh có điều kiện để phát triển, tấn công gây ra bệnh dại", bác sĩ Lê Thị Ngọc Ánh, Phòng khám đa khoa, chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình phân tích.
Tỷ lệ vật nuôi được tiêm phòng quá thấp
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus gây bệnh dại. Tác nhân gây bệnh là virus dại Rhabdovirus thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới, mỗi năm có hơn 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine phòng bệnh dại, có khoảng 60 nghìn-70 nghìn người bị chết do bệnh dại. "Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Bệnh nhân khi đã phát bệnh thì nguy cơ tử vong là 100%", bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình khẳng định.
Thời gian qua, ngành y tế và các địa phương đã rất nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, tránh, chữa trị, nhưng thật đáng tiếc vẫn có nhiều trường hợp tử vong. Theo bác sĩ Huỳnh Công Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình: "Nguyên nhân chính là do người dân khi bị chó cắn không tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng, tránh, chữa trị. Khi bị chó, mèo cắn, nhiều gia đình không theo dõi tình trạng vật nuôi cắn người. Đối với người bệnh, thường chủ quan không đi tiêm, hoặc tiêm không đủ liều vaccine phòng bệnh dại, cá biệt có trường hợp tự chữa trị mà không đến các cơ sở y tế".
Theo các bác sĩ, ý thức phòng, tránh bệnh dại của người dân còn nhiều hạn chế. Thông thường bà con cho rằng chỉ khi người bị chó, mèo cắn mới có thể lây truyền bệnh dại. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp chơi đùa, hoặc để vật nuôi vô tình liếm vào vùng mặt hoặc vào các vết thương hở đều có khả năng nhiễm virus gây bệnh dại. Thời gian ủ bệnh thường từ 30 đến 90 ngày, thậm chí có trường hợp hơn hai năm mới phát bệnh, vì vậy càng làm cho người dân thêm phần chủ quan.
Bà Nguyễn Thị Hóa, thôn 2-Thanh Sen (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) kể, cách đây 15 ngày, lúc đi chợ về, bà bị chó nuôi trong nhà chạy tới cào xước da, trong khi đó, cháu nội bị chó cắn gây thương tích chảy máu. Sau đó khoảng một tuần, con chó lăn ra chết mà không rõ nguyên nhân. "Mấy ngày sau đó, tôi không nghĩ chó phát bệnh dại, nhưng sau khi nghe thông tin trên báo, đài về trường hợp tử vong ở thành phố Đồng Hới, tôi mới thật sự lo lắng nên đưa cả cháu đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình để được các bác sĩ tư vấn, tiêm phòng", bà Hóa cho biết thêm.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc đặc trị; cách phòng tránh tốt nhất là người bệnh sớm tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại khi bị chó dại cắn. Tuy nhiên, cách phòng tránh hiệu quả nhất được các ngành chức năng chỉ ra, đó là cần phải chủ động tiêm phòng cho vật nuôi.
Việt Nam hiện có tổng đàn chó, mèo khoảng 7 triệu con, nhưng tỷ lệ các loại vật nuôi này được tiêm phòng thấp, chỉ đạt khoảng 40%. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ tiêm phòng cho chó, mèo trong năm 2022 là 20.979/77.202 con, đạt hơn 27%; đến thời điểm này, tỷ lệ là 20.165/81.698 con, đạt gần 24,7%. Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết: "Ý thức của chủ vật nuôi trong tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi còn nhiều hạn chế. Rất ít người tự giác mang vật nuôi đến cơ sở thú y tiêm phòng. Cá biệt, có địa phương được hỗ trợ miễn phí vaccine phòng bệnh dại nhưng khi nhận được thông báo cũng chẳng mấy người mang chó, mèo đi tiêm".
Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương tại Quảng Bình, nhiều người dân còn chủ quan với bệnh dại; khi bị chó, mèo nghi dại cắn không tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành y tế; không tiêm phòng cho vật nuôi; tình trạng chó thả rông rất nhiều, khi ra đường không mang rọ mõm... "Ở nơi tôi sinh sống, rất ít gia đình chủ động tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi; chó, mèo thì tự do nuôi thả. Trường hợp bị cắn, nếu nghi ngờ có bệnh dại thì đi tiêm phòng thôi", anh Cao Xuân Hiệu, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa cho biết.