A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành với học sinh vùng cao đến trường

Năm học 2023-2024, các trường học vùng cao tỉnh Quảng Nam đã tập trung nguồn lực sửa chữa cơ sở vật chất, trang bị sách vở cho học sinh để các em vui đến trường.

Đến điểm trường thôn Bho Hoong (thuộc Trường Tiểu học Sông Kôn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), chúng tôi thấy cô giáo Đinh Thị Hoa (32 tuổi, người Cơ Tu) đang cẩn thận kiểm tra sách vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh lớp 1. Cô Hoa chia sẻ: “Đón các cháu lớp 1 đầu cấp có rất nhiều khó khăn, ngoài việc làm quen với môi trường mới, chỉn chu, nền nếp hơn, đó còn là vấn đề về ngôn ngữ. Thường các em nhỏ đồng bào Cơ Tu chỉ nói tiếng mẹ đẻ, chưa nói tiếng phổ thông nhiều nên việc tiếp thu còn hạn chế. Ban đầu, các em chưa hiểu thì mình lồng ghép, sử dụng tiếng đồng bào Cơ Tu để các em hiểu bài hơn”.

Cô và trò Trường Tiểu học Sông Kôn trong ngày đầu xếp lớp. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy giáo Trần Tấn Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Kôn cho biết: Năm nay, trường có tổng cộng 17 lớp học, 358 học sinh. Trong đó, số lượng con em đồng bào dân tộc là 333 em (chiếm 95%), giáo viên đồng bào dân tộc Cơ Tu cũng chiếm khoảng 50%.

Là địa bàn miền núi, đa số con em là đồng bào dân tộc thiểu số nên chính quyền địa phương rất quan tâm. Năm học 2023-2024, huyện Đông Giang đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp trường. Năm học này, toàn bộ sách giáo khoa đều được mượn học, bảo đảm 100% các em đầy đủ sách vở. Dù nhà trường không tổ chức bán trú nhưng các em đều nhận được khoản chi phí hỗ trợ đó để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Định hướng lâu dài, huyện sẽ xây dựng 12 phòng học mới, tạo điều kiện cho các em có những lớp học khang trang hơn trên hành trình đi tìm con chữ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em không phải vất vả vì đường đi học xa xôi, trường xây dựng trải dài thành 4 điểm trường: 1 điểm chính và 3 điểm lẻ tại thôn Bho Hoong (5 lớp), điểm K8 (4 lớp) và điểm K9 (4 lớp). Nhờ chia ra các điểm trường nên các em đi học gần nhà hơn, tỷ lệ bán trú rất ít. 

Tại Trường THPT Kim Đồng (xã Ba, huyện Đông Giang), chúng tôi thấy các lớp học sạch sẽ, khang trang. Trường được đầu tư thêm các phòng chức năng, phòng máy tính, sân bóng bảo đảm điều kiện học tập và vui chơi tốt nhất cho các em. Năm nay, trường đón 330 học sinh, trong đó 30% học sinh là con em đồng bào Cơ Tu.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Hữu Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang khái quát:  “Trên địa bàn huyện hiện có 26 trường trực thuộc với 6.842 học sinh/75 điểm trường các cấp, trong đó dân tộc thiểu số hơn 5.590 học sinh. Vừa qua, huyện Đông Giang đã đầu tư 45,3 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 71 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy và học hơn 5,6 tỷ đồng; hỗ trợ mua sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 cho các trường với kinh phí hơn 300 triệu đồng". 

Năm học 2023-2024, huyện Đông Giang tiếp tục chú trọng triển khai đề án xây dựng và phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia, kế hoạch về xây dựng trường học hạnh phúc và nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện đang thiếu khoảng 90 giáo viên. Dù tỉnh đã tổ chức thi tuyển giáo viên nhưng một số giáo viên từ chối vì điều kiện đi lại quá xa, mỗi năm đều có 10-15 giáo viên thuyên chuyển công tác.

Đồng chí Đỗ Hữu Tùng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn Trung ương tiếp tục nghiên cứu nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa để giáo viên có thể gắn bó lâu dài với địa bàn huyện miền núi. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện khá cao, hơn 45% tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, huyện cũng mong muốn có cơ chế, chính sách cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết