Góc nhìn nghị trường: Đừng tạo nguy cơ tích tụ “cục máu đông” bất động sản
Tại Chuyên mục "Góc nhìn nghị trường" (trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV), Báo Quân đội nhân dân đã đăng tải ý kiến về việc không nên quy định về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Luật hiện hành không cấm nhà đầu tư cung cấp sản phẩm căn hộ chung cư có thời hạn sở hữu. Thực tế, hầu hết người dân Việt Nam đều có tâm lý muốn mua một căn hộ sở hữu lâu dài để yên tâm “an cư lạc nghiệp”. Vì thế đã có một số chủ đầu tư cung cấp cả hai hình thức căn hộ sở hữu lâu dài và sở hữu có thời hạn trên thị trường, nhưng loại hình sở hữu có thời hạn không được người dân đón nhận. Đó là lý do loại hình sản phẩm này không có chỗ đứng trên thị trường hiện nay.
Hầu hết người dân Việt Nam đều có tâm lý muốn mua một căn chung cư để yên tâm “an cư lạc nghiệp”. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo luật được tiếp thu theo hướng không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao hướng tiếp thu như vậy. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn một số đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến muốn quy định rõ trong luật về sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn. Các đại biểu tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc nếu không quy định rõ thời hạn sở hữu, khi các khu chung cư xuống cấp sẽ rất khó cải tạo, xây mới như các khu tập thể cũ hiện nay.
Trước hết, cần phân biệt quyền sở hữu với quyền sử dụng; phân biệt quyền sử dụng đất (sở hữu chung) và quyền sở hữu căn hộ chung cư (sở hữu riêng) tại các tòa chung cư. Với loại hình căn hộ chung cư có quyền sở hữu lâu dài, khi tòa chung cư xuống cấp, không còn giá trị sử dụng và trở thành nguy cơ gây mất an toàn cho không chỉ người sử dụng chung cư, mà còn cho cộng đồng và xã hội, thì các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cùng nhau cải tạo, xây dựng lại tòa chung cư đó (như các hộ gia đình phải tự bỏ tiền làm lại nhà của mình).
Trường hợp các chủ sở hữu không tự giác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã xuống cấp đến mức nguy hiểm, cơ quan nhà nước có quyền phong tỏa, cưỡng chế cư dân rời khỏi tòa chung cư để phá hủy, bảo đảm an toàn cho cư dân, cộng đồng và xã hội. Khi đó, chủ căn hộ chung cư mất quyền sử dụng và quyền sở hữu căn hộ chung cư, chỉ còn quyền sử dụng đất. Họ cũng có nhiều lựa chọn, hoặc góp tiền xây lại khu chung cư để có căn hộ mới, hoặc bán lại quyền sử dụng đất cho người khác góp tiền xây lại chung cư, hoặc chỉ được giữ quyền sử dụng đất chung mà không còn quyền sở hữu, sử dụng căn hộ chung cư...
Cần lưu ý thêm, việc so sánh các tòa chung cư hiện đại với các khu tập thể cũ là rất khiên cưỡng. Các khu tập thể cũ hiện nay không có cơ chế tài chính bảo đảm cho việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, dẫn tới rất nhanh xuống cấp. Các khu chung cư hiện đại đều có quỹ bảo trì chung cư, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên thời hạn sử dụng chắc chắn dài hơn các khu tập thể cũ hiện nay.
Khi sản phẩm căn hộ chung cư có thời hạn sở hữu đã không phù hợp với thị hiếu, không được người tiêu dùng đón nhận, nếu khiên cưỡng đưa vào luật, quy định như vậy hoàn toàn có thể trở thành tác nhân gây nên những “cục máu đông” bất động sản trên diện rộng, tạo ra tác động tiêu cực rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, hướng tiếp thu của dự thảo luật lần này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.