A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học sinh thường không sử dụng điện thoại cho việc học

Quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của cán bộ, giáo viên mà cả phụ huynh.

Tăng cường quản lý, giám sát

Thực tế, đây không phải là nội dung mới. Trước đó, trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”; Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó nêu: Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh họa

Nội dung công văn có lưu ý, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.

Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế, phản ánh của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về việc sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị, ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Tùy vào điều kiện thực tế, ban giám hiệu và các giáo viên nhà trường quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.

Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép thì học sinh được phép mang điện thoại di động và thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng.

Đối với học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” (được nêu tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT).

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị phụ huynh học sinh đồng hành cùng nhà trường, thầy giáo, cô giáo; động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định tại nhà trường, lớp học.

Ngăn chặn những hành động không lành mạnh

Quy định cấm học sinh không sử dụng điện thoại trong lớp học nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của tất cả các nhà trường và đông đảo phụ huynh.

Học sinh thường không sử dụng điện thoại cho việc học
Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là cần thiết

Thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội nêu quan điểm: “Học sinh không dùng điện thoại vào việc học tập mà thường trở thành nghiện mạng xã hội dẫn đến xao nhãng việc học, sa sút học tập, ảnh hưởng tới giờ dạy của thầy cô giáo và bạn bạn bè trong giờ học.

Việc sử dụng điện thoại một cách thiếu kiểm soát còn lãng phí thời gian, khiến các em ít vận động trong giờ ra chơi, ít tương tác với bạn bè, thầy cô và cha mẹ. Nhiều học sinh đăng lên mạng các thông tin vô bổ, kể cả những trò ác ý, đua đòi đặc biệt là tạo ra các hội nhóm với hoạt động không lành mạnh”.

Từ thực tế ấy, thầy Phi nhận định, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là việc làm cần thiết và cấp bách. Không chỉ ở trường, tại nhà, phụ huynh cũng cần sát sao quản lý con em mình, phát huy tính tích cực của công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn cho việc học tập”.

Tại trường THPT Trương Định, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học trước đây đã được thực hiện ở một số lớp do có sự thống nhất giữa giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện cha mẹ học sinh. Ở đó, điện thoại của học sinh sẽ được lưu vào hộp chung, chỉ được giáo viên phát cho học sinh khi cần thiết.

"Bây giờ, khi có sự chỉ đạo, quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường sẽ triển khai đồng bộ ở tất cả các lớp", thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai nhấn mạnh.

Học sinh thường không sử dụng điện thoại cho việc học
Ảnh minh họa

Đồng tình với quy định cấm sử dụng điện thoại trong lớp học, em Âu Xuân Dũng, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên bày tỏ: “Em thấy ngoài chức năng liên lạc với gia đình khi cần thiết thì điện thoại di động không phải là công cụ cần thiết phục vụ cho việc học trên lớp.

Em lo ngại tình trạng nhiều bạn lạm dụng điện thoại để quay video đăng lên mạng xã hội, tik tok, zalo. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bạo lực học đường. Vì vậy, em nghĩ cần triệt để cấm sử dụng điện thoại trong lớp học”.

Thực tế cho thấy, quản lý sử dụng điện thoại di dộng không chỉ cần sự sát sao của thầy cô, ý thức tự giác của bản thân mỗi học sinh mà còn cần nhiều hơn đến trách nhiệm giám sát của phụ huynh. Không ít phụ huynh học sinh nuông chiều con cái một cách vô điều kiện.

Dù chưa làm ra tiền, không có mục đích rõ ràng nhưng nhiều phụ huynh vẫn mua cho con điện thoại đời mới nhất để “thể hiện đẳng cấp”. Và hầu hết, cha mẹ chưa có sự kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con.

“Chính vì thế, hơn ai hết, mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần thể hiện tình yêu với con đúng cách mà kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con là một trong những cách đó. Công nghệ thông tin là công cụ mở ra cánh cửa tri thức nhưng cũng là con dao hai lưỡi dễ khiến học sinh sa đà vào những tệ nạn trên không gian mạng”, chị Nguyễn Phương Linh, quận Cầu Giấy chia sẻ.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật