A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi "chốn dung thân" trở thành hiểm họa

Mùa hè đến, cùng với nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến dẫn đến nguy cơ quá tải lưới điện, gây chập cháy, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Nỗi lo âu tăng cao sau mỗi vụ cháy thương tâm xảy ra và hình ảnh ngọn lửa hung tợn đang là nỗi ám ảnh trong tâm trí nhiều người.

Mất ngủ triền miên vì lo nhà cháy

Từ quê Nam Định, chị Hồng Minh lên Hà Nội mưu sinh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mang theo ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và các con, chị Minh tìm kiếm công ăn, việc làm nơi thành phố.

Khi

Vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người

Làm lao công với mức lương thấp, chị chật vật xoay sở chi trả tiền thuê trọ, mua sắm nhu yếu phẩm và lo cho hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. "Chốn dung thân" của chị và các con là một căn phòng chật chội, ẩm thấp nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Khi

Ám ảnh của nhiều người về những vụ cháy nổ

Chị Minh cho biết, khu nhà trọ chị ở được xây dựng tạm bợ, sử dụng vật liệu dễ cháy. Hệ thống điện ở đây cũ kỹ, chắp vá, ổ cắm điện quá tải, dây điện không đảm bảo chất lượng. Hệ thống PCCC thiếu thốn, thậm chí không có, hoặc hư hỏng. Hơn nữa, ý thức PCCC của nhiều người thuê trọ còn hạn chế, chủ quan, lơ là, sử dụng điện nước không đúng cách, đun nấu, sử dụng bếp gas, bình gas không an toàn. Xuất phát từ những nguyên nhân đó, với chị, mỗi lần nhắm mắt trong đêm là mỗi lần trằn trọc, mất ngủ vì lo sợ cháy nổ".

Có nhiều đêm tôi hốt hoảng giật mình thức giấc khi chỉ cần nghe vài tiếng động lạ hoặc ngửi thấy mùi khét. Tôi chỉ sợ cháy nổ, mấy mẹ con không kịp chạy thì sẽ chết cả nhà. Mỗi lần thức giấc như vậy, tôi không ngủ được trở lại, cũng từ đó sức khỏe cứ kém dần vì lo lắng và không ngủ đủ giấc” - Chị Minh bày tỏ.

Đi học ngồi nghĩ “nếu đêm bị cháy nhà, chạy cách nào?”

Là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, sinh sống tại khu nhà trọ nhỏ quận Hoàng Mai, Minh Thành luôn mang trong mình nỗi lo sợ thường trực về nguy cơ cháy nổ. Nỗi ám ảnh ấy xuất phát từ những mảng tường bong tróc lộ nguyên mảng gạch cũ, hệ thống điện chằng chịt như mạng nhện và những ổ cắm điện ọp ẹp, hở dây nơi phòng trọ của Thành và các bạn.

Khi

Nỗi sợ hãi cháy nổ ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của nhiều người

Từ sau vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ năm ngoái, hàng đêm, tôi luôn trằn trọc lo âu. Tôi thường bị ngủ chập chờn, hay bất chợt giật mình bởi bởi bất cứ tiếng nổ hay mùi khét nào trong không khí. Cảm giác lo lắng thường trực khi nhìn mớ dây điện lằng nhằng treo lơ lửng trên đầu mình, chực chờ tia lửa điện bùng phát luôn ám ảnh tôi", Thành nói.

Nỗi sợ hãi cháy nổ không chỉ khiến mất ngủ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng học tập. Mỗi ngày đến trường, Thành và nhiều bạn sinh viên mang theo nỗi lo lắng, thấp thỏm không yên. " Đôi khi chúng tôi không thể tập trung vào bài giảng vì tâm trí luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh kinh hoàng về đám cháy nơi mình đang ở có thể xảy tới bất cứ lúc nào”, Thành cho biết thêm.

Con ở nhà trọ có an toàn không?

“Tôi đã từng đề cập với chủ nhà về những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống điện và cơ sở vật chất xuống cấp của khu nhà trọ, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Chúng tôi, những sinh viên nghèo, chỉ có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách cẩn thận khi sử dụng điện, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và cầu dao và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thương nhất là cha mẹ. Lần nào gọi điện cho tôi, mẹ cũng hỏi: Con ở nhà trọ có an toàn không?. Chỉ với câu hỏi đó thôi, tôi biết không chỉ tôi lo lắng mà ở quê, cha mẹ tôi cũng hàng ngày ăn không ngon, ngủ không yên vì nỗi lo cho con nơi nhà trọ” - Bạn Hoàng Minh Thành nói.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết