A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để phải “giải cứu” vaccine

Tại hội nghị giao ban báo chí cuối tháng 7 mới đây, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Nam Định bày tỏ trăn trở trước thực trạng người dân thờ ơ, không mặn mà với việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi nhắc lại.

Tỉnh đã hai lần phải "giải cứu" vaccine bằng cách đề nghị Trung ương điều chuyển cho địa phương khác. Đáng lo ngại hơn, vấn đề nêu trên tồn tại ở không ít địa phương trong cả nước khi tỷ lệ người dân tiêm mũi 3, mũi 4 và trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 12 tiêm vaccine ngừa Covid-19 là khá thấp và tiến triển chậm, gây khó khăn trong việc dự trù, cung ứng vaccine cũng như tổ chức tiêm chủng tại cộng đồng.

Kể từ khi các hoạt động xã hội trở lại trong điều kiện bình thường mới đến nay, công tác tiêm chủng vẫn được đẩy mạnh và là một trong những trụ cột để thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Thế nhưng, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, một bộ phận người dân lại có tâm lý chủ quan, lơ là với các mũi tiêm vaccine nhắc lại trong phòng, chống dịch. Nhiều người trong số họ cho rằng đã tiêm 2, 3 mũi, hơn nữa bản thân từng nhiễm Covid-19 thì không cần tiếp tục tiêm phòng thêm. Cũng có những người hoang mang nghi ngại tác dụng phụ của vaccine, dẫn đến lưỡng lự “chưa tiêm vội” bởi sợ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tiêm vaccine Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN 

Theo các chuyên gia y tế, mỗi mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 có tác dụng tăng cường miễn dịch cho cơ thể để chống lại các tác động của virus đối với cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi tiêm vaccine, cơ thể có kháng thể để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh hoặc nếu lây nhiễm cũng có triệu chứng nhẹ, hạn chế tử vong. Kháng thể sẽ giảm dần sau khi tiêm vaccine một thời gian, vì vậy, rất cần những mũi tiêm nhắc lại để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trước diễn biến của dịch bệnh. Chưa có những biểu hiện lâm sàng về việc xuất hiện những tác động tiêu cực đến sức khỏe sau khi tiêm ngừa Covid-19, nhưng hiệu quả phòng, chống dịch của vaccine là rất rõ ràng và đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Điều dễ thấy rõ nhất là khi nước ta ở đỉnh dịch, người dân đã gần như được tiêm đủ hai mũi vaccine, do vậy, tỷ lệ tử vong rất thấp. Với các trường hợp tiêm đủ 2-3 mũi vaccine, người bệnh khi nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ đi rất nhiều.

Dịch Covid-19 bùng phát gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, sức khỏe, tính mạng người dân bị đe dọa. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Có được kết quả này, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của vaccine trong việc khống chế thành công đại dịch. Tuy dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát nhưng không vì thế mà cho phép chủ quan, lơi lỏng công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại ở một số quốc gia. Việt Nam cũng xuất hiện các biến chủng mới và nguy cơ bùng phát dịch trở lại là hiện hữu. Bởi vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch.

Để công tác tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, để sức khỏe của người dân được bảo đảm trước diễn biến của dịch bệnh, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền hơn nữa giúp người dân nhận thức đúng về tác dụng, vai trò của vaccine. Ngành y tế cũng cần đa dạng hóa các kênh thông tin, củng cố niềm tin và nâng cao ý thức của người dân với việc tích cực hưởng ứng, tham gia tiêm vaccine ngừa Covid-19. Để không còn tình trạng phải “giải cứu” vaccine, điều cốt yếu là mỗi người dân cần thể hiện trách nhiệm với chính bản thân, với cộng đồng trong chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng cách chấp hành nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc tiêm chủng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành y tế.

ĐÀO HỒNG


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết