Kiểm định chung cư cũ
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị để trình Quốc hội. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của dư luận là quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Ngay từ đầu, đề xuất quy định này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến không đồng tình. Mới đây, tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định quan điểm không nhất trí quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Những ý kiến muốn thúc đẩy việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư lý giải rằng, phải quy định như vậy để bảo đảm an toàn cho công trình, khi công trình lâu năm, xuống cấp không thể tiếp tục tồn tại thì có căn cứ pháp lý di dời người dân nhằm cải tạo, xây dựng mới để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, những ý kiến không đồng tình nêu ra các vấn đề: Nếu hết thời hạn sở hữu nhà chung cư mà công trình vẫn bền chắc, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và cộng đồng, nhưng chủ sở hữu vẫn phải chấm dứt quyền sở hữu và tòa nhà vẫn bị buộc phải phá dỡ gây thiệt hại về kinh tế thì trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân hữu quan được xác định ra sao? Khi đến hạn chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, chủ sở hữu sẽ bàn giao lại nhà chung cư cho ai? Người nhận bàn giao nhà chung cư hết thời hạn sở hữu thấy công trình vẫn có thể sử dụng tốt nên sử dụng vào mục đích khác, lần lữa phá dỡ, cải tạo, kéo dài thời gian chờ đợi tái định cư tại chỗ của chủ sở hữu cũ thì giải quyết thế nào? Đề xuất quy định này nếu được thông qua còn có thể tạo ra một xu hướng xây dựng chung cư cực kỳ nguy hiểm là chỉ xây dựng với chất lượng vừa phải để phù hợp với thời gian sở hữu ngắn và nhanh chóng quay vòng đầu tư mới cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa chung cư cũ: Vietnamplus.vn |
Thực tế, trên thế giới có nhiều công trình nhà cao tầng có tuổi thọ cả thế kỷ vẫn đẹp, vẫn tốt, không những đang được sử dụng bình thường mà còn trở thành biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của người dân nơi đó. Vì thế, hầu như không có nước nào trên thế giới quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với lý do chưa thật thuyết phục nên chưa nhận được sự đồng thuận cao và có thể gây ra tâm lý bất ổn trong xã hội.
Thay vì quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, sẽ tốt hơn và khả thi hơn nếu bổ sung quy định kiểm định định kỳ với các tòa nhà chung cư cũ. Hồ sơ thiết kế và kết quả kiểm định của cơ quan chức năng được coi là căn cứ để xác định độ an toàn của tòa nhà. Nếu hệ số an toàn vẫn cho phép thì cư dân sử dụng bình thường, nếu không bảo đảm an toàn thì cư dân phải chấp hành bàn giao mặt bằng để cải tạo theo phương án thống nhất giữa các bên.
Không nên lạm dụng hành chính hóa quan hệ dân sự. Hành chính hóa quan hệ dân sự chỉ buộc phải dùng đến trong trường hợp không thể có sự lựa chọn nào tốt hơn.