A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm địa phương nào được hỗ trợ khám bệnh từ xa qua phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”?

Ngày 10/11, tại thành phố Huế đã diễn ra lễ khởi động chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”.

Đây là chương trình được Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng phối hợp thực hiện. 5 địa phương được triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” gồm tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau.

Năm địa phương nào được hỗ trợ khám bệnh từ xa qua phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”?
Bàn giao trang thiết bị, công nghệ để triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa

Phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" được UNDP và Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế hợp tác phát triển từ tháng 12/2020. Giai đoạn triển khai ở 5 tỉnh này, ước tính sẽ có khoảng hơn 2.000 cán bộ y tế tại hơn 800 đơn vị y tế cơ sở được đào tạo, kết nối cung cấp dịch vụ y tế từ xa. Như vậy, tổng số sẽ có khoảng gần 7 triệu người dân được hưởng lợi từ chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa này.

Dự án này hỗ trợ cho 5 tỉnh các thiết bị công nghệ thông tin gồm máy chủ đặt tại Sở y tế tỉnh, 15 bộ máy tính để bàn, camera, loa ngoài cho 15 trạm y tế xã, đồng thời tổ chức hướng dẫn đào tạo sử dụng và triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”.

Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh này sẽ giúp người dân vùng xa tiếp cận được dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng ngay tại địa phương mình, từ đó giúp giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố. Giải pháp này cũng giúp các cán bộ y tế huyện, xã có thể tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn của họ.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường ứng phó Covid-19 thông qua tăng cường năng lực tiếp cận vaccine và hệ thống y tế” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, bà Ramla Al Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định: “UNDP sẵn sàng thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND 5 tỉnh, góp phần vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt tập trung vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tại cấp cơ sở.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Văn Phương cho biết, hoạt động này sẽ cùng với địa phương sớm thực hiện hoàn thành lộ trình Chuyển đổi số ngành y tế nói riêng và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo ngành y tế triển khai có hiệu quả phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà”, bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian di chuyển; tạo điều kiện để người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới theo tinh thần của Bộ Y tế về Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”.

Ông Shimonishi Kiyoshi - Phó Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết, hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe, y tế là một lĩnh vực vô cùng quan trọng trong quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, trong những năm qua từ khi đại dịch Covid -19 bùng phát vào năm 2020, hai nước đã tích cực hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, Nhật Bản viện trợ 7 triệu liều vắc xin cho Việt Nam và dự án hợp tác viện trợ không hoàn lại cung cấp trang thiết bị y tế cho Việt Nam, ngược lại, Chính phủ Việt Nam trao tặng 2 triệu khẩu trang y tế cho Nhật Bản.

“Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng hoạt động xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho y tế tuyến cơ sở tại 5 tỉnh của Việt Nam trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện những hoạt động như thế này là vô cùng có ý nghĩ”, ông Shimonishi Kiyoshi khẳng định.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết