A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Pháp luật quy định như thế nào về quyền của đối tượng thanh tra?

* Bạn đọc Lê Mai ở xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về quyền của đối tượng thanh tra?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 92, Luật Thanh tra. Cụ thể như sau:

1. Đối tượng thanh tra có quyền sau đây:

       a) Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;

      b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác;

      c) Yêu cầu bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo.

* Bạn đọc Nguyễn Diệu Hoa ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 345 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017. Cụ thể như sau:

1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.


Tags: pháp luật
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết