A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thời hiệu yêu cầu thi hành án được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Vũ Văn Long ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thời hiệu yêu cầu thi hành án được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 30 Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự số 09/VBHN-VPQH ngày 25-1-2022. Cụ thể như sau:

1. Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 5 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

* Bạn đọc Lê Hoàng Huân ở phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hỏi: Việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

1. Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

2. Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.                   


Tags: quy định
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết