Tìm được ánh sáng nhờ được hiến giác mạc
Sau hơn 10 năm chỉ nhìn thấy vệt sáng, bà T. (65 tuổi, quê Yên Bái) giờ đây đã nhìn thấy mọi vật rõ ràng hơn nhờ giác mạc được hiến tặng. Ngày bà được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (Sở Y tế Hà Nội) gỡ băng gạc sau ca phẫu thuật cũng đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 65 của bà.
Nguồn sáng được trao tặng
Ngày 30-9, là một ngày vô cùng đặc biệt đối với bà T. (65 tuổi, quê Yên Bái). Ngày này vừa là ngày sinh của bà, cũng là ngày bà được nhìn thấy ánh sáng trở lại sau 10 năm sống trong cảnh mù lòa. Sau 4 ngày phẫu thuật ghép giác mạc, bà đã được PGS,TS Hoàng Thị Minh Châu (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Sở Y tế Hà Nội) khám lại. Trước đó bà T. mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, đã phải sống trong cảnh mù lòa cả chục năm nay. Do nguồn giác mạc khan hiếm nên bà vẫn phải chờ đợi, việc sinh hoạt vô cùng khó khăn khi phải phụ thuộc vào người khác.
Bệnh nhân ghép giác mạc được nhân viên y tế Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tặng bánh sinh nhật. Ảnh: ĐỨC TÂM |
Người hiến tặng giác mạc là cụ bà 80 tuổi, nguyên là nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Quân y 103. Cũng chính là ca hiến tặng giác mạc khiến nhiều người xúc động với hình ảnh người bác sĩ quân y ôm mẹ lần cuối sau khi thực hiện di nguyện của bà là hiến giác mạc, mang lại ánh sáng cho người khác. Di nguyện của bà đã được thực hiện khi ca phẫu thuật ghép giác mạc ngày 27-9 được thực hiện thành công. Hôm nay 30-9, người được nhận giác mạc của cụ bà đã tái khám sau 4 ngày phẫu thuật.
Chị Thùy Dương (công tác tại Ngân hàng mô Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) chia sẻ: “Trong suốt quá trình chúng tôi lấy giác mạc, con trai bà (Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó chủ nhiệm Bộ môn - Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 103) chỉ đứng lặng lẽ quan sát ở một góc phòng. Chỉ đến khi các kỹ thuật viên đã lấy giác mạc xong, anh mới lại gần, âu yếm xoa mái đầu của mẹ, rồi ôm lấy mẹ và bật khóc... Cảnh tượng vô cùng xúc động khiến chúng tôi lặng người vì cảm kích. Bởi vì, không chỉ là một đôi giác mạc được trao đi, mà ẩn giấu trong đó là yêu thương vô hạn của cả người hiến và gia đình đã gửi gắm”, chị Thùy Dương kể lại.
PGS,TS Hoàng Thị Minh Châu (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) khám lại cho người phụ nữ được ghép giác mạc. Ảnh: ĐỨC TÂM |
Chia sẻ với phóng viên, PGS,TS Hoàng Thị Minh Châu thông tin: “Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút. Hiện tại tình trạng người nhận ổn, kết quả ban đầu khá khả quan, có thể nhìn được 1/10 và tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, thời gian tới cần phải theo dõi, tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt theo tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như không vận động nặng, tránh tác động từ môi trường khói bụi, va đập vào mắt…”. Đây là bệnh nhân được ghép giác mạc “nội” đầu tiên ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Còn đối với người nhận giác mạc, bà vô cùng hạnh phúc bởi sau khi được ghép giác mạc bà đã có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật. “Sau 10 năm tôi chỉ thấy ánh sáng lờ mờ, không nhìn thấy mọi người, cảnh vật xung quanh. Giờ đây tôi chỉ mong được về quê để gặp và nhìn lại từng khuôn mặt của người thân mình”.
Hạnh phúc của sự tận hiến
Ngân hàng Mô của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được thành lập từ tháng 6-2024, hiện đã ghép giác mạc cho 42 trường hợp, nhưng đây là ca đầu tiên nhận giác mạc từ trong nước. PGS, TS Hoàng Thị Minh Châu cho biết thêm: "Chúng tôi muốn phát triển ghép giác mạc từ nguồn trong nước vì thời gian bảo quản ngắn hơn, chất lượng tốt hơn hàng nhập và chi phí rẻ hơn, giúp được cho nhiều bệnh nhân nghèo tiếp cận, hơn nữa, các vụ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam rất nhiều, là nguồn giác mạc giúp nhiều người tìm lại ánh sáng, mà nếu không lấy sẽ rất phí".
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 lấy giác mạc của ca hiến tặng. Ảnh: ĐỨC TÂM |
Tuy nhiên, con số ghép được là rất ít ỏi. Hàng dài bệnh nhân phải chờ đợi 5 - 6 năm vẫn không có nguồn giác mạc để hiến. Vẫn có hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời. Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30 - 60, có cả trẻ em. Các bác sĩ kêu gọi người dân trong cộng đồng đăng ký hiến giác mạc nếu không may qua đời. Thống kê tại Việt Nam có hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời.
PGS,TS Hoàng Thị Minh Châu thông tin thêm, giác mạc hoàn toàn có thể hiến sau khi đã chết, chứ không chỉ lấy với trường hợp chết não. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. Từ đó, một người hiến giúp mang lại ánh sáng cho hai trường hợp bị mù lòa khác. Việc lấy giác mạc không bị khống chế về thời gian như lấy tạng và tỉ lệ ghép thành công cũng cao hơn, không đòi hỏi cao về sự tương thích, một người tặng sẽ giúp 2 bệnh nhân được sáng mắt, nên nếu có nguồn tạng hiến, sẽ có thêm nhiều người bị mù lòa thấy lại ánh sáng.