A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường hợp nào thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc với người lao động?

Bạn đọc Phạm Văn Lợi ở phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trường hợp nào thì người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc với người lao động (NLĐ)?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 128 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để NLĐ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của NLĐ chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận NLĐ trở lại làm việc.

3. Trường hợp NLĐ bị xử lý kỷ luật lao động, NLĐ cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

* Bạn đọc Mai Thị Bích Hòa ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể như sau:

1. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình;

b) Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

2. Các biện pháp quy định tại khoản 1 điều này phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác.

3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.


Tags: lao động
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết