A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xét nghiệm nhiễm Adenovirus khi có chỉ định

Chỉ trong thời gian ngắn, số trẻ nhập viện do nhiễm Adenovirus tăng nhanh khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện đau ốm, hầu hết phụ huynh lập tức đưa trẻ đi xét nghiệm. Theo các chuyên gia y tế, việc đổ xô đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết.

Bệnh nhân nhiễm Adenovirus đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: HIẾU LÊ 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thị Mai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đang cùng con trai 3 tuổi ngồi chờ khám. Chị chia sẻ: "Cháu bị sốt hai ngày nay, uống thuốc hạ sốt cũng chỉ giảm được một chút. Cháu không chịu ăn, chỉ uống chút sữa nên không uống thuốc được. Đọc tin thấy nhiều trẻ bị nhiễm Adenovirus nên tôi sốt ruột đưa cháu đến bệnh viện xin xét nghiệm và khám". Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận con chị Mai bị sốt do viêm họng.

Không riêng chị Mai, rất nhiều phụ huynh khi đưa con đến bệnh viện đều mang tâm lý đến để xét nghiệm xem con có bị nhiễm Adenovirus không. Trên cơ sở khám, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhi mắc Adenovirus, PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng cần thống nhất quan điểm không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết. Adenovirus cũng giống các loại virus khác, hiện không có thuốc đặc trị; triệu chứng tới đâu, điều trị tới đó, thậm chí nhiều bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Với những trường hợp này, việc xét nghiệm là không cần thiết. Với những ca bệnh nặng, dựa vào kết quả xét nghiệm có thể là cơ sở để bác sĩ đưa ra chỉ định sử dụng thuốc kháng virus. Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý cho con đi xét nghiệm, tránh gây lãng phí. “Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây... của bệnh nhi thì mới nên thực hiện”, PGS, TS Trần Minh Điển nói.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết sẽ cùng hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus cho trẻ em, trong đó có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.

TS Nguyễn Trọng Khoa cũng cho rằng phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc viurs Adeno phải có buồng điều trị riêng. Theo các chuyên gia dịch tễ, việc số ca nhiễm Adenovirus tăng lên cần được quan tâm ở cả khía cạnh lâm sàng, dịch tễ và cộng đồng. Việt Nam chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu cho Adenovirus. Như vậy, việc tuân thủ các giải pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Đó là vệ sinh tay, bề mặt, bảo đảm môi trường thông thoáng, dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính. Người lớn và trẻ em tiêm chủng đủ vaccine phòng bệnh theo lịch, trong đó có cả vaccine phòng Covid-19. Làm tốt vấn đề này sẽ hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.

Trước đó, tại cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus, lý giải về nguyên nhân khiến số ca mắc Adenovirus gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc bùng phát bệnh này có thể liên quan đến khoảng thời gian giãn cách trước đó. Điều này đã ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ đối với các loại virus, trong đó có cả Adeno, “lỗ hổng” miễn dịch sẽ khiến số ca mắc tăng cao.


Tags: Adenovirus
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết