A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước chuyển mình mạnh mẽ của cây ăn quả có múi ở Hòa Bình

Nhiều loại cây ăn quả có múi của Hòa Bình đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính, khẳng định sự đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

“Chìa khóa”đưa hàng loạt trái cây có múi xuất khẩu

Giữa tháng 12/2022, Hợp tác xã Đại Đồng, xã Ngọc Lương, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy (Hòa Bình) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình, Công ty Cổ phần Nông nghiệp RYB tổ chức buổi lễ xuất khẩu chuyến bưởi Diễn đầu tiên sang thị trường Vương quốc Anh. Số lượng bưởi xuất khẩu đạt khoảng gần 11 tấn. Đáng chú ý, đây không phải là lô hàng đầu tiên mà là lô hàng thứ hai, sau sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đã được xuất sang Anh, cũng trong năm 2022.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương cho biết, sau khi lô hàng được xuất khẩu thành công sang thị trường Anh, địa phương đã nhận được phản hồi từ phía đơn vị thu mua rằng sản phẩm bưởi Diễn của Hòa Bình hoàn toàn có khả năng cạnh tranh được với sản phẩm của hàng hóa các nước khác, chất lượng được đánh giá cao.

Bước chuyển mình mạnh mẽ của cây ăn quả có múi ở Hòa Bình

Bưởi diễn là đặc sản của Sơn Thủy, đây là sản phẩm có thương hiệu trên thị trường và chất lượng an toàn

Thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn quả có múi đã được xã Ngọc Lương thực hiện bằng cách quy hoạch các vùng sản xuất để chuyển đổi cho người dân từ cây hàng năm không hiệu quả sang là cây bưởi diễn. Hiện nay, diện tích bưởi Diễn của xã vào khoảng hơn 500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 300 ha.

Ngoài ra, xã Ngọc Lương còn phát triển 1 số cây trồng khác là cây khoai sọ, bí xanh, ớt, chanh leo… để có được cơ cấu cây trồng hợp lý, đảm bảo đầu ra. Đặc biệt, do cây bưởi Diễn hiện đang vượt quá đầu ra của xã nên xã đang động viên các hộ đi sâu vào nghiên cứu để thực hiện nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuẩn OCOP và VietGAP, mở rộng mã vùng trồng để triển khai chuỗi liên kết, hướng đến xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nước ngoài.

“So với các loại cây trồng trước đây, cây bưởi Diễn mang lại hiệu quả gấp 5-10 lần về giá trị. Việc trồng bưởi Diễn đã mang lại thu nhập tốt cho bà con nông dân” – ông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, tới nay, tổng diện tích bưởi Diễn của tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.300ha, chiếm 45% diện tích bưởi và 22% tổng diện tích cây ăn quả có múi của cả tỉnh, trong đó riêng huyện Yên Thủy đạt hơn 800ha bưởi Diễn.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể bưởi Diễn Yên Thủy từ năm 2019. Các xã trồng nhiều bưởi Diễn như Ngọc Lương, Đoàn Kết, thị trấn Hàng Trạm. Trong đó có 30ha của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đồng đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP và được công nhận là sản phẩm OCOP.

Bước chuyển mình mạnh mẽ của cây ăn quả có múi ở Hòa Bình

Quýt - trồng trên đất Hòa Bình mang lại hiệu quả cao, chất lượng thơm ngon, đậm đà

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty RYB – đơn vị xuất khẩu sản phẩm bưởi Diễn cho biết, bà con trồng bưởi Diễn tại Yên Thủy đã tuân thủ đúng quy trình VietGap. Công ty đã mang mẫu đi kiểm tra 821 chỉ số đều đạt tiêu chuẩn an toàn và rất mong chờ lô bưởi Diễn này được chào bán bên Anh. Đây là thị trường khó tính nhất châu Âu và cũng là sự mở màn để bưởi Diễn Yên Thủy tiến xa hơn đến các nước trên thế giới. Đây là chuyến hàng mẫu, bà con đã tuân thủ tất các quy trình từ: chọn quả, đóng gói, vận chuyển... chuẩn từng chi tiết.

Với sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc, thời gian qua, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá vùng trồng để đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU cho 6 vùng trồng bưởi với tổng diện tích 153ha. Bên cạnh đó, hỗ trợ liên kết ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện, giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA với các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây bưởi của huyện.

Tạo đà cho cây có múi của Hòa Bình

Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi…) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, diện tích cây có múi tại Hòa Bình đạt khoảng 10.500 ha; trong đó riêng diện tích cam, bưởi trồng tập trung đạt 9.053 ha, với 7.429 ha giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt 166,7 nghìn tấn.

Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp chứng nhận Sở hữu Trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong; 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các địa phương: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3, 4 sao.

Đến nay, Hòa Bình đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn... Giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất trong cả nước.

Bước chuyển mình mạnh mẽ của cây ăn quả có múi ở Hòa Bình

Cam Cao Phong là đặc sản của Hòa Bình

Để có thành quả nêu trên, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp tham mưu trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển bền vững cây ăn quả có múi nói riêng như: Chính sách khuyến khích phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực (hỗ trợ 20 triệu đồng/ha diện tích cây ăn quả có múi trồng mới); chính sách hỗ trợ cước vận chuyển nông sản; chính sách hỗ trợ chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc; chính sách hỗ trợ thành lập hợp tác xã… Ngoài ra, nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại được tổ chức hàng năm như: Lễ hội cam Cao Phong; Tuần lễ nông sản Hòa Bình tại Hà Nội; ngày hội sản phẩm OCOP; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm… Một số loại cây ăn quả khác đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa, gây dựng thương hiệu như: Nhãn Sơn Thủy; na Đồng Tâm; thanh long ruột đỏ; chuối; mận, đào… Tỉnh cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dứa, chanh leo tại Lạc Sơn, Tân Lạc.

Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là hình thức tổ chức sản xuất chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Năng lực của các hợp tác xã nhiều hạn chế. Doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất còn ít, quy mô nhỏ. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng trong sản xuất nhưng còn nhỏ lẻ, tính lan tỏa thấp. Liên kết trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, đồng bộ. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ dạng tươi sống…

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan cấp trên hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác cấp mã số vùng trồng, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm để hỗ trợ người dân tìm kiếm đầu ra. Bởi hiện nay vẫn có tình trạng làm ra nhiều mà tiêu thụ thấp, giá trị sản phẩm không cao” – ông Nguyễn Xuân Thủy đề xuất.

Để góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên trong giai đoạn tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp phù hợp. Trong đó, tập trung những nội dung như: Đẩy mạnh thành lập và nâng cao năng lực hoạt động trong tổ chức sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt về bảo quản, chế biến sản phẩm; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ thể, nòng cốt để phát triển các chuỗi giá trị, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu thời gian tới có ít nhất 70% sản lượng quả tươi được sơ chế đạt yêu cầu, 10% được chế biến có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời có 50 mã số vùng trồng, ít nhất 10 sản phẩm hoa quả được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên… Từ đó mở rộng đầu ra cho sản phẩm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết