A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng để sầu riêng thành “sầu chung”

Từ cuối năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục cảnh báo việc người dân ồ ạt trồng cây sầu riêng tại miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, kể cả trên những vùng đất không phù hợp.

 Hiện nay, cứ nơi nào còn đất trồng trọt là không ít người lại bàn đến việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Người dân cũng sẵn sàng phá vườn cà phê, hồ tiêu, điều, hay diện tích trồng lúa để trồng sầu riêng. Sầu riêng còn được trồng cả trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được nguồn nước tưới. Vì thế, chất lượng quả cũng rất khó bảo đảm để xuất khẩu, hay bán ra thị trường.

Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng để cả nước phát triển khoảng 65.000-75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000-950.000 tấn vào năm 2030. Nhưng đến thời điểm này, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta đã là hơn 112.000ha, vượt khoảng 37.000ha. Do giá bán vẫn khá cao nên làn sóng mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các địa phương phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đây là một điều rất đáng lo ngại. Thứ nhất, sau 5-7 năm sầu riêng mới cho thu hoạch ổn định, liệu giá cả lúc đó có giữ được 200.000 đồng/kg chắc hẳn không ai dám khẳng định. Thứ hai, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines đều được thị trường Trung Quốc chấp nhận cho nhập khẩu sầu riêng nên sầu riêng của Việt Nam không còn chiếm được lợi thế. Thứ ba, ngay cả Trung Quốc-một nước có thị trường rộng lớn nhưng nay cũng đang phát triển rầm rộ diện tích trồng sầu riêng nên sự cạnh tranh vào thị trường này sẽ vô cùng khốc liệt.

Một cơ sở sản xuất sầu riêng. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện nay, Nhà nước chỉ định hướng, không thể bắt buộc người nông dân phải trồng cây gì trên đất của họ, cũng như không thể dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu doanh nghiệp, thương lái "mua hộ" nông dân lúc nông sản dư thừa. Tuy nhiên, Nhà nước cũng không thể thả nổi thị trường, để nhà vườn tự do trồng-chặt. Vì thế, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, giúp đỡ người dân nghiên cứu kỹ thị trường, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng cần có kế hoạch chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp một cách khoa học, phù hợp. Các địa phương và cơ quan chức năng cũng cần giúp người dân thay vì tìm cách tăng diện tích và sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, đóng gói, bao bì đủ điều kiện, bảo đảm vận chuyển, phân phối, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Muốn có các loại cây trồng phát triển bền vững, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị. Ngoài việc quan tâm đến xuất khẩu, sầu riêng và các loại trái cây, sản phẩm nông nghiệp cần phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Có như vậy, vòng luẩn quẩn trồng-chặt mới chấm dứt, góp phần để nền nông nghiệp nước ta trở nên hiện đại, phát triển.


Tags: sầu riêng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết