Hành trình bứt phá của nông nghiệp Việt Nam
Trải qua 80 năm, từ một nước thuộc địa có nền nông nghiệp lạc hậu, không đủ lương thực, phải đối mặt với nạn đói, đến nay, Việt Nam đã là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Một thời cơm không đủ ăn
Năm 1945, hơn 2 triệu đồng bào đã chết đói do các chính sách dã man của thực dân, phát xít và một nền nông nghiệp lạc hậu, năng suất thấp. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiệm vụ hàng đầu của nông nghiệp Việt Nam là bảo đảm đủ lương thực cứu đói cho đồng bào. Trong suốt 3 thập niên của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nền nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa bảo đảm nhu cầu cho nhân dân, vừa cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Sau năm 1975, điều kiện kinh tế đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi hậu quả nặng nề của chiến tranh và chính sách bao vây, cấm vận từ bên ngoài. Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, giai đoạn 1976-1980, sản lượng lúa trung bình của cả nước chỉ đạt khoảng 13-14 triệu tấn/năm. Đặc biệt, năm 1978, sản lượng giảm còn 9,79 triệu tấn, mức thấp nhất lịch sử, buộc Việt Nam phải nhập khẩu tới gần 1,6 triệu tấn gạo/năm.
Với nhiều người dân Việt Nam, giai đoạn 1970-1980, những bữa cơm độn sắn, khoai mãi trở thành ký ức không bao giờ quên. “Mỗi hạt gạo, hạt ngô, củ khoai khi ấy không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà là sinh mệnh, là khát vọng sống còn của người nông dân”, đồng chí Nguyễn Hữu Quân, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là xã Tam Dương, tỉnh Phú Thọ) nhớ lại.
![]() |
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: NHƯ TÂM |
Bước ngoặt từ đổi mới
Tại Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Hàng loạt chính sách được ban hành ngay sau đại hội, mở đầu cho công cuộc đổi mới. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 10) đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi giao khoán đất cho hộ gia đình, trao cho người nông dân quyền tự chủ trong sản xuất và kinh doanh trên ruộng đất được giao trong thời gian dài. Chủ trương này được coi là một phần quan trọng của công cuộc đổi mới, trao quyền làm chủ thực sự cho người nông dân và tạo động lực to lớn cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Nhờ chính sách đó, sản lượng lúa tăng nhanh, từ 15,1 triệu tấn năm 1987 lên 32,55 triệu tấn năm 2000. Đặc biệt, tháng 11-1989, nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, chỉ trong 2 tháng đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn gạo, tương đương 3,4 triệu tấn lúa, mở ra một hành trình mới cho ngành lúa gạo và nông nghiệp Việt Nam. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá: “Từ chỗ phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực. Đó thực sự là điều thần kỳ. Và hiện nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là nền tảng giúp chúng ta đứng vững trước các thách thức”.
Khoa học, công nghệ và khát vọng hội nhập
Cuộc cách mạng trong ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN), đi liền với cải cách thể chế, tạo nên bước ngoặt lớn trong nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực trồng lúa. Từ một nền sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, lao động thủ công và phụ thuộc vào thiên nhiên, đến nay, ngành lúa gạo đã chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, bền vững và giá trị gia tăng cao.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) cho thấy, tính đến năm 2025, Việt Nam đã nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất hơn 1.600 giống lúa mới với năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu ngày càng cao. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân cả nước đạt khoảng 6,7-7,2 tấn/ha, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không chỉ tăng về lượng, chất lượng gạo Việt Nam cũng được cải thiện vượt bậc với sự ra đời của những giống lúa đặc sản như: ST24, ST25, được công nhận trong tốp gạo ngon nhất thế giới.
Một trong những đột phá lớn là tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ngày càng cao. Theo Bộ NN-MT, đến năm 2025, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 97%, còn trong khâu thu hoạch đạt trên 70%. Việc áp dụng máy móc hiện đại không chỉ giảm sức lao động mà còn rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm tổn thất sau thu hoạch. Cùng với đó, các tiến bộ kỹ thuật như hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hay mô hình hữu cơ được triển khai rộng khắp, tạo ra những cánh đồng lúa sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn hình thành hệ sinh thái khép kín từ canh tác, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ.
PGS, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-MT, đánh giá: “Việc kết hợp giữa KHCN và thể chế mới là đòn bẩy giúp nông nghiệp Việt Nam bứt phá, không chỉ bảo đảm ổn định an ninh lương thực mà còn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với những sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu”.
Trên cơ sở nền tảng đó, Việt Nam đang tiến tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết đặt ra chính sách phát triển toàn diện, từ hạ tầng nông thôn đến đào tạo nhân lực. Từ nghị quyết của Đảng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt hơn 70% số xã trên cả nước. Tính đến tháng 6-2025, cả nước có 6.070 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hơn 1.200 xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.
Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra hơn 8.400 sản phẩm, trong đó 65% đạt từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới phát triển mạnh, giúp nông dân liên kết theo chuỗi giá trị. GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đánh giá: “Các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua đã thể hiện bước phát triển về tư duy từ người nông dân làm ra hạt thóc đến người nông dân làm chủ sản phẩm và thị trường. Đây cũng là cơ hội cho việc hình thành, phát triển đội ngũ nông dân mới-nông dân thông minh, nông dân chuyển đổi số”.
Giữ vững vị trí cường quốc nông sản
Theo báo cáo của Bộ NN-MT, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam duy trì xuất khẩu trung bình 6-7 triệu tấn gạo/năm. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt gần 8,3 triệu tấn, kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2025, điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%; giá trị xuất siêu 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2024. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 70 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Riêng xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn, thu về 2,54 tỷ USD.
Hiện, nước ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều; xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê; thứ 3 thế giới về rau quả và thứ 4 về thủy sản. Nhiều mặt hàng chủ lực đã vào được những thị trường khó tính như: Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Bên cạnh số lượng, Việt Nam chuyển mạnh sang nông sản chất lượng cao như: Gạo ST25, cà phê đặc sản, tôm hữu cơ, trái cây chế biến sâu... Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Việt Nam đang không chỉ cung cấp sản phẩm mà cung cấp giá trị xanh, giá trị bền vững, truy xuất được nguồn gốc và gắn với trách nhiệm xã hội toàn cầu.
Tuy nhiên, cùng với đó, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu, thiếu lao động trẻ, thị trường giá cả cạnh tranh gay gắt, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc... Ngành nông nghiệp Việt Nam ý thức rõ rằng KHCN và chuyển đổi số là con đường duy nhất. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành. Mục tiêu của chiến lược là hình thành nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thông minh; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trung bình 2,5-3%/năm; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 60-70 tỷ USD vào năm 2030; 70% sản phẩm nông sản có truy xuất nguồn gốc; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, khi là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng khẳng định: “Nông nghiệp Việt Nam không chỉ là câu chuyện của lương thực mà còn là văn hóa, sinh thái và giá trị nhân văn”. Hành trình phát triển thần kỳ của nông nghiệp Việt Nam đã được viết nên bằng mồ hôi, khát vọng và trí tuệ của người nông dân, nhà khoa học và cả hệ thống chính trị. Tin rằng, thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
NGUYỄN HỒNG SÁNG