Tiêu điểm
Thứ tư, 23/07/2025 - 18:56
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó số ca mắc tại khu vực phía Nam tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024; một số địa phương đã có trường hợp tử vong. Hiện đang là giai đoạn cao điểm của dịch SXH khi miền Bắc đang trong mùa mưa bão, mùa tựu trường cùng nhiều sự kiện lớn của đất nước sắp diễn ra càng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca mắc.

Số ca mắc tiếp tục gia tăng

Theo ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), điều kiện thời tiết hiện tại đang rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển nên nguy cơ số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo đó, ông Võ Hải Sơn lưu ý số ca mắc SXH thường có xu hướng tăng từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trên thế giới, dù nhiều nước đã áp dụng các biện pháp phòng, chống, song SXH vẫn có xu hướng gia tăng hằng năm. Một điểm đáng lo ngại khác là chu kỳ bùng phát dịch SXH trong những năm gần đây đang rút ngắn, từ khoảng 5 năm/lần xuống còn 3-4 năm/lần. Đợt dịch SXH gần nhất xảy ra vào năm 2022, với hơn 370.000 ca mắc. “Do đó, nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng, chống quyết liệt ngay từ đầu mùa, nguy cơ dịch SXH bùng phát trở lại trong năm 2025 là rất lớn”, ông Võ Hải Sơn cảnh báo.

 Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại phố Phúc Tân, phường Hồng Hà, TP Hà Nội. Ảnh: DUY TUÂN

 

 Trước diễn biến phức tạp của SXH, ngày 20-7-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 116/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH. Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống bệnh SXH bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống bệnh SXH nói riêng, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung trên địa bàn.

Để ngăn chặn tình trạng lây lan, bùng phát dịch, trong suốt nửa đầu năm 2025, Bộ Y tế liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo toàn hệ thống y tế và chính quyền địa phương vào cuộc chủ động phòng, chống dịch SXH với tinh thần từ sớm, từ xa. Nhiều tỉnh, thành phố đã xác định được các điểm nóng, khu vực có ổ dịch cũ và vùng nguy cơ cao để tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ngay các ổ dịch, không để lan rộng hoặc kéo dài. Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy được triển khai quyết liệt. Không chỉ hệ thống y tế mà cả hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được huy động. Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ tổ dân phố, người có uy tín tại cộng đồng đều tham gia vào chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn và cùng người dân loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy ngay tại hộ gia đình. Nhiều địa phương tổ chức phát động phòng dịch SXH tận xã, phường và từng hộ dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện vệ sinh môi trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cũng liên tục cử các đoàn công tác đến hỗ trợ, kiểm tra, hướng dẫn địa phương có nguy cơ cao thực hiện đúng kỹ thuật xử lý ổ dịch, giám sát ca mắc sớm và xử lý kịp thời ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Sự chủ động này giúp khoanh gọn, dập nhanh các ổ dịch SXH tiềm ẩn, góp phần kiểm soát tốt tốc độ lây lan dịch bệnh.

Bảo đảm công tác điều trị

Không chỉ phòng bệnh, hệ thống điều trị cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các bệnh viện đã thực hiện phân tuyến điều trị nhằm tránh quá tải, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, dịch truyền, hóa chất, nhân lực, thiết bị y tế, sẵn sàng thu dung và điều trị hiệu quả, làm giảm nguy cơ tử vong. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán, phân loại bệnh nhân, đặc biệt tại tuyến cơ sở. “Qua theo dõi, các chiến dịch đã triển khai đang phát huy hiệu quả. Các địa phương đã tổ chức đợt truyền thông cao điểm, vận động đến từng hộ gia đình, tập trung đặc biệt vào những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ vật chứa nước đọng, diệt bọ gậy, ngủ màn... được triển khai đồng loạt, góp phần tích cực trong việc kiểm soát SXH, hạn chế số ca mắc tăng cao”, Phó cục trưởng Cục Phòng bệnh Võ Hải Sơn khẳng định.

Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay, nhiều người mắc SXH vẫn có tâm lý chủ quan, nhất là những người trẻ, vì họ nghĩ chỉ là sốt thông thường nên trì hoãn việc kiểm tra, điều trị tại bệnh viện. Đối với SXH, thoát huyết tương nặng là tình trạng rất nguy hiểm, điều trị gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng sốc và tử vong. Vì vậy, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh hoàn toàn có thể cứu chữa.

PGS, TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, để bắt kịp với sự thay đổi về chu kỳ và địa bàn dịch, bên cạnh cách tiếp cận quen thuộc là "phát hiện-phản ứng", Việt Nam cần chuyển dịch sang mô hình "dự báo-phòng ngừa". Tiêm chủng cũng là một trong những giải pháp giúp phòng ngừa chủ động và giảm nguy cơ bệnh SXH chuyển nặng. Các chuyên gia dịch tễ nhận định, phòng dịch không phải chuyện của riêng ngành y tế, mỗi người dân phải là một mắt xích quan trọng để ngăn dịch bùng phát.

DIỆP CHÂU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật