Phát triển hiệu quả, bền vững ngành sầu riêng
Với giá bán cao kỷ lục, sầu riêng đang tạo “cơn sốt” tại khu vực Tây Nguyên và một số địa phương phía Nam. Bên cạnh niềm vui được mùa, được giá thì tình trạng mở rộng diện tích ồ ạt, phát triển tự phát, số lượng chưa đi cùng chất lượng đang đặt ra yêu cầu phải có giải pháp kịp thời để phát triển bền vững ngành sầu riêng-một trong những mặt hàng trái cây có giá trị lớn nhất hiện nay.
Cơn sốt sầu riêng
Từ một loại trái cây khó trồng, khó chăm sóc, khó tiêu thụ, vài năm trở lại đây, cây sầu riêng bỗng vụt sáng trở thành loại trái cây được ưa chuộng, tiêu thụ mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt con số cao kỷ lục.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, cả nước hiện có 112.000ha sầu riêng, tổng sản lượng đạt khoảng 900.000 tấn, trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên 52.000ha (chiếm khoảng 47% diện tích), Đồng bằng sông Cửu Long 33.000ha (chiếm khoảng 30% diện tích), Đông Nam Bộ 21.000ha (chiếm khoảng 19% diện tích).
Sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. |
Nếu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam chỉ đạt 29,2 triệu USD thì năm 2022, con số này đã tăng lên 420 triệu USD. Đặc biệt, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với năm 2022, đạt 1,2 tỷ USD, dự kiến cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có mặt hàng nông nghiệp rau củ, thủy sản nào có tốc độ tăng trưởng cao như vậy.
Lợi nhuận do sầu riêng mang lại đang tạo nên cơn sốt khắp Tây Nguyên, nơi có diện tích, sản lượng sầu riêng lớn nhất cả nước và dư địa phát triển còn nhiều. Nhất là sau khi Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7-2022 thì sầu riêng đã trở thành mối quan tâm chính của nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp tại đây. Những ngày này, khắp Tây Nguyên, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh thương lái tới tận vườn hỏi mua sầu riêng, cảnh người thu hái, tập kết sầu riêng, những chuyến xe tải nối đuôi nhau thành hàng dài hối hả chở sầu riêng từ các vùng chuyên canh về điểm tập kết cùng hoạt động sơ chế, đóng gói diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn 8, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phấn khởi cho biết gia đình ông có 4ha trồng sầu riêng. Năm ngoái, gia đình bán được hơn 2,5 tỷ đồng. Năm nay, giá sầu riêng tại vườn là 75.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 15.000 đồng/kg nên gia đình ông đã bán được hơn 5 tỷ đồng. “Xã Hòa Nam có khoảng 1.000ha sầu riêng, sản lượng vụ sầu riêng năm 2023 khoảng 7.000 tấn, với doanh thu hơn 500 tỷ đồng. Bình quân, mỗi hộ trồng sầu riêng ước đạt nguồn thu nhập từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn xã có đến hàng chục hộ dân có nguồn thu từ 4 đến 10 tỷ đồng từ sầu riêng. Chưa bao giờ giá sầu riêng lại sốt như vậy”-một cán bộ xã Hòa Nam cho biết.
Mùa sầu riêng bội thu tại thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. |
Tuy nhiên, kỳ tích từ cây sầu riêng mang lại cũng đang kéo theo nhiều hệ lụy và nguy cơ. Lợi nhuận cao từ sầu riêng đã khiến diện tích trồng sầu riêng tại Tây Nguyên không ngừng mở rộng, bất chấp khuyến cáo từ các cơ quan chức năng. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng sầu riêng năm 2023 ước đạt 19.700ha, tăng 7.000ha so với năm 2021. Tại Đắk Lắk, diện tích trồng sầu riêng năm 2023 đạt 22.458ha, vượt quy hoạch gần 7.500ha. Rất nhiều hộ nông dân tại Tây Nguyên đã và đang phá bỏ vườn cà phê, mắc ca, hồ tiêu, cao su (dù các loại cây trồng này đang cho thu nhập ổn định) để chuyển sang trồng sầu riêng với hy vọng có thu nhập cao hơn. Điều này đã và đang đe dọa phá vỡ cơ cấu cây trồng và quy hoạch chung của các địa phương. Cảnh tranh mua, tranh bán, phá vỡ hợp đồng đã xảy ra, nhiều chủ vườn dù đã nhận tiền đặt cọc của doanh nghiệp, của thương lái từ đầu vụ nhưng khi thấy giá sầu riêng lên cao đã phá hợp đồng, sẵn sàng đền cọc để bán cho mối khác với giá cao hơn.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Vạn Hòa, doanh nghiệp hiện đang bao tiêu sầu riêng tại thị trường Đắk Lắk xuất đi Trung Quốc cho biết: “Việc tăng giá quá nóng đang gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, một số đối tác của chúng tôi đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng”. Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, một trong những khó khăn lớn của ngành sầu riêng hiện nay là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững. “Các liên kết ngành hàng giữa nông hộ và doanh nghiệp sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết”-bà Thanh nhận định.
Ổn định diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm
Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk đầu tháng 9-2023 vừa qua do Bộ NN-PTNT chủ trì, đại diện các doanh nghiệp, hộ nông dân trồng sầu riêng trong cả nước đã chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu sầu riêng, đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm phát triển ngành sầu riêng bền vững trong thời gian tới. Theo đó, việc ổn định diện tích trồng sầu riêng, tập trung nâng cao chất lượng vùng trồng, chất lượng sản phẩm, cấp mã vùng trồng sầu riêng, đẩy mạnh công nghệ chế biến, bảo quản và mở rộng thị trường xuất khẩu được xem là những giải pháp quan trọng, cấp bách đối với ngành sầu riêng hiện nay.
Kiểm tra chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu tại HTX Nông nghiệp Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. |
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo, vận động người dân không mở rộng diện tích trồng sầu riêng mà tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cũng như phục vụ thị trường nội tiêu. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thông tin: "Lâm Đồng hiện có 35 mã vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp. Thời gian qua, đơn vị này đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý về giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất sầu riêng. Đặc biệt lưu ý bà con nông dân không vì thấy giá sầu riêng tăng cao mà lạm dụng trồng xen quá mật độ theo quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, lạm dụng phân bón hóa học... dẫn đến ảnh hưởng tới sự phát triển và chất lượng sầu riêng. Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết với những doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh, không để tình trạng thương lái tự do xen vào phá vỡ các liên kết".
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Được biết, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phổ biến rộng rãi các quy định về mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các quy định về hợp đồng kinh tế, thương mại nông sản, liên kết sản xuất và xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ, phát triển bền vững ngành sầu riêng.