Đắk Nông: Nông sản vươn xa nhờ thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội mới cho nông sản Đắk Nông, giúp sản phẩm địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn và nâng cao giá trị kinh tế.
Mở rộng đầu ra cho sản phẩm
Tại phường Nghĩa Đức (huyện Gia Nghĩa), đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đây rất nhiều với 19 dân tộc như Mạ, M'Nông, Thái, Nùng, Tày, Mường, H'Mông, Khơ me, Dao… Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân chỉ gói gọn trong địa phương, việc nâng cao kỹ năng sản xuất, mở rộng đầu ra dường như không có.
Nhưng nay, với sự hoạt động của HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen khi đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp chuyển đổi số bằng truy xuất nguồn gốc, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, người dân đã nhận thấy, thương mại điện tử là kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao giá trị nông sản. Riêng sản phẩm nông nghiệp được nhiều người biết đến và mua nhiều hơn so với cách tiêu thụ truyền thống.
![]() |
Nhiều nông sản Đắk Nông được hỗ trợ tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử |
HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen là một trong những hợp tác xã của Đắk Nông đã thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Trong những năm gần đây, Đắk Nông đã tích cực đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử như nongsan.buudien.vn, Sendo, Tiki và TikTok Shop. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đưa 630 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 47 sản phẩm OCOP và 583 sản phẩm nông nghiệp khác .
Đặc biệt, Bưu điện tỉnh Đắk Nông đã ký kết hợp tác với Hội Nông dân tỉnh để hướng dẫn nông dân đưa sản phẩm lên sàn nongsan.buudien.vn, hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tương tác trên môi trường số, và hướng dẫn thực hiện các quy trình vận hành theo mô hình sàn thương mại điện tử .
Nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp tại Đắk Nông đã nhanh chóng thích ứng với xu hướng thương mại điện tử. Cơ sở sản xuất Trang Thư tại Đắk Mil đã đưa các sản phẩm như dầu bơ, bột chuối xanh, bột trà xanh lên các sàn thương mại điện tử, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin và mua sắm. Hoặc, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát tại TP. Gia Nghĩa cũng đã đưa các sản phẩm như mắc ca sấy, thanh rong biển kẹp hạt và thanh hạt dinh dưỡng lên các sàn như TikTok Shop, nongsan.buudien.vn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ .
Cơ hội kèm thách thức
Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nông dân mở rộng thị trường mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả kênh bán hàng này, nông dân cần được đào tạo về kỹ năng số, cách thức vận hành gian hàng trực tuyến và hiểu biết về thị trường. Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị tổ chức khoảng 60 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 1.000 hộ sản xuất, giúp họ tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, gần đây nhất, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban ngành và doanh nghiệp công nghệ tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử cho thành viên HTX và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Lớp học này đã thu hút 40 học viên là cán bộ quản lý, thành viên HTX, đến từ các HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Sau hai ngày tập huấn, người dân, thành viên HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng công cụ số, thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Liên minh HTX Đắk Nông, việc tổ chức các lớp tập huấn như thế này nhằm mục tiêu trang bị bị kiến thức cơ bản, hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng cần thiết cho nông dân, thành viên HX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh về công nghệ thông tin và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Qua công tác tập huấn, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các HTX sẽ từng bước nâng cao kỹ năng xây dựng và quản lý cửa hàng trực tuyến, tìm hiểu và thực hành về các kênh bán hàng online hiệu quả…
Để tiếp tục phát triển, Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tiếp cận và sử dụng các nền tảng số thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Đắk Nông hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2025, 50% HTX trên địa bàn chuyển đổi số, 70% HTX có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh. |