Kết nối cung cầu tạo đà đưa nông sản Huế vươn xa
Thành phố Huế tích cực kết nối cung cầu, thúc đẩy sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ vươn ra thị trường hiện đại trong và ngoài nước.
Với mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường rộng lớn, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, mở ra cơ hội tiêu thụ cho hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản và sản phẩm OCOP; song song đó, công tác xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh… Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Thảo – Giám đốc Trung tâm, xung quanh vấn đề này.
![]() |
Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP Huế |
Kết nối thực chất – mở đường tiêu thụ cho nông sản, OCOP Huế
- Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai những hoạt động kết nối cung cầu nào nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản và OCOP?
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo: Với phương châm “phụng sự doanh nghiệp”, Trung tâm luôn xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối cung – cầu và mở rộng thị trường tiêu thụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xúc tiến thương mại.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Huế về đổi mới hoạt động xúc tiến theo hướng đồng hành và hỗ trợ thực chất, Trung tâm đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, và cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản và sản phẩm OCOP. Trong đó, tích cực kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hệ thống phân phối lớn như Aeon Mall Huế, Siêu thị Go, Coopmart và các nhà phân phối khác.
Đây là các kênh tiêu thụ quan trọng giúp đưa sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương vào các thị trường lớn hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao giá trị và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các khảo sát nhu cầu kết nối, thu thập thông tin về sản phẩm và lắng nghe phản hồi từ các nhà cung cấp địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng thông qua các sự kiện hội nghị, hội chợ, và chương trình kết nối doanh nghiệp. Điển hình có: Chương trình gặp gỡ và kết nối giao thương với đoàn doanh nghiệp Thái Lan; Hội nghị kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP tại Aeon Mall Huế; Chương trình kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp thành phố Huế và Tập Đoàn Central Retail Việt Nam;…
Qua đó, các doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, nhận thức rõ hơn về tiêu chuẩn chất lượng, và được động viên cải tiến sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn của siêu thị lớn.
Thúc đẩy thương hiệu thủ công Huế qua thương mại điện tử
- Công tác xúc tiến thương mại đã góp phần như thế nào trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Huế, đặc biệt là thông qua các kênh phân phối hiện đại và thương mại điện tử?
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo: Công tác xúc tiến thương mại thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Huế. Đồng thời từng bước đưa các sản phẩm này tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế thông qua các kênh phân phối hiện đại và thương mại điện tử. Các hoạt động xúc tiến này không chỉ giúp sản phẩm của Huế tiếp cận được nhiều khách hàng hơn mà còn mang lại những cơ hội lớn để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
![]() |
Đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất gặp trực tiếp nhà phân phối để trao đổi, tư vấn liên quan đến chất lượng, mẫu mã và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm |
Thông qua việc tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế, sản phẩm của Huế, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đã được giới thiệu đến một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Công tác xúc tiến thương mại cũng chú trọng phát triển các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu. Một ví dụ điển hình là Hội nghị tập huấn "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển kênh TikTok bán hàng và xây dựng thương hiệu" đã được tổ chức vào cuối năm 2024. Các chương trình quảng bá, marketing kết hợp với các chiến dịch xúc tiến giúp sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế trở nên dễ nhận diện hơn trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
- Những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản, OCOP, thủ công mỹ nghệ thường gặp khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại là gì và Trung tâm có giải pháp hỗ trợ cụ thể nào trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo: Hiện nay, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản, sản phẩm OCOP và thủ công mỹ nghệ tại Huế vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể, nhiều đơn vị thiếu nhân lực chuyên môn về tiếp thị, chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu chứng nhận tiêu chuẩn, và còn hạn chế trong ứng dụng thương mại điện tử cũng như công nghệ chế biến. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, cho rằng việc đưa hàng vào các hệ thống phân phối lớn là khó khăn, chi phí cao và tiêu thụ chậm, nên chỉ sản xuất cầm chừng để phục vụ thị trường nhỏ lẻ. Đa số cơ sở sản xuất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư cải tiến theo tiêu chuẩn của kênh phân phối hiện đại.
Trước thực trạng đó, Trung tâm đã tập trung đổi mới cách làm, chuyển từ hỗ trợ hình thức sang hỗ trợ thực chất. Chúng tôi tổ chức cho doanh nghiệp, kể cả quy mô nhỏ tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ thu mua của các hệ thống phân phối: Central Retail, Aeon Mall, Coopmart,... để được đánh giá và tư vấn cụ thể về chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Qua quá trình này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy, điều chỉnh sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hơn…
Song song với đó, Trung tâm cũng thường xuyên tham gia và chủ trì tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường, cải tiến quy trình sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Những hoạt động này đã giúp quảng bá hiệu quả sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP đến các đối tác trong và ngoài tỉnh, mở rộng cơ hội hợp tác và xúc tiến xuất khẩu qua các kênh phân phối lớn.
Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ hơn 120 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hơn 100 biên bản ghi nhớ, trong đó gần 50 hợp đồng đã được ký kết. |