Phát triển sản phẩm OCOP Yên Bái, nâng tầm giá trị nông sản địa phương
Với 271 sản phẩm OCOP được chứng nhận, Yên Bái đang vươn mình trở thành điểm sáng phát triển kinh tế nông thôn thông qua nâng tầm giá trị nông sản đặc trưng.
OCOP: Đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) không còn là cái tên xa lạ tại Yên Bái - một tỉnh miền núi Tây Bắc giàu tiềm năng nông nghiệp. Sau nhiều năm triển khai, chương trình không chỉ khẳng định được vai trò then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, hệ thống Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP đã được kiện toàn đầy đủ ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Tỉnh đã phân công rõ ràng vai trò đầu mối, từ Sở Nông nghiệp và Môi trường các Phòng Nông nghiệp cấp huyện, bảo đảm công tác tham mưu, phối hợp và triển khai hiệu quả, thông suốt.
![]() |
Miến đao Giới Phiên là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của Yên Bái |
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái đã có 271 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 25 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đây là kết quả thể hiện nỗ lực không ngừng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh trải rộng ở 6 nhóm ngành hàng gồm: ngành thực phẩm: 204 sản phẩm, chiếm tỷ trọng lớn nhất, cho thấy tiềm năng chế biến và tiêu dùng mạnh mẽ trong lĩnh vực này; Thủ công mỹ nghệ, trang trí: 15 sản phẩm, khai thác lợi thế văn hóa bản địa và tay nghề truyền thống; Ngành thảo dược: 21 sản phẩm, thể hiện sự phong phú của tài nguyên rừng và tri thức bản địa; Ngành đồ uống: 14 sản phẩm, góp phần làm phong phú thêm bản đồ sản phẩm đặc sản. Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng: 16 sản phẩm, phát triển gắn với trải nghiệm, du lịch sinh thái. Ngành sinh vật cảnh: 1 sản phẩm, dù số lượng còn khiêm tốn nhưng mở ra một hướng đi mới trong đa dạng hóa sản phẩm.
Là HTX đi đầu trong phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, những năm qua, HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại từ nhà xưởng, kho đông lạnh, máy hấp, máy hút chân không…, mà HTX còn chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đến nay, HTX đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao gồm: cá mương sấy, cá rô lọc xương sấy, lạp xưởng, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy.
Bà Đồng Thị Hiền - Giám đốc HTX cho biết: "Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi chú trọng xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, trên mỗi sản phẩm đều có mã vạch, QR-Code và đầy đủ thông tin, hạn sử dụng để khách hàng yên tâm khi lựa chọn. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ ở thôn Pon Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn được thành lập từ năm 2019 với sản phẩm gạo nếp Tú Lệ của HTX được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2020. Để phát triển thương hiệu, HTX đã liên kết với 200 hộ dân, diện tích 50 ha để sản xuất lúa nếp Tú Lệ theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 50 - 70 tấn gạo nếp Tú Lệ, sản phẩm của HTX đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như voso,vn, nongsan.buudien.vn...
Hành lang vững chắc cho OCOP phát triển
Thời gian qua, Yên Bái đã ban hành và điều chỉnh hàng loạt văn bản quan trọng để tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Cụ thể như Quyết định số 1633/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022–2025, định hướng đến 2030; Quyết định số 801/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung nội dung Đề án OCOP; Quyết định số 528/QĐ-UBND kiện toàn Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc. Kế hoạch số 142/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình OCOP trong năm 2023. Các kế hoạch, thông báo kiểm tra, đánh giá, rà soát sản phẩm OCOP đã hết hạn chứng nhận.
Sự chủ động trong thiết kế thể chế và bám sát chỉ đạo từ Trung ương cho thấy Yên Bái đang từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa quy trình phát triển sản phẩm OCOP, từ đánh giá, phân hạng đến xúc tiến thương mại.
Mặc dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, Yên Bái vẫn thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục: chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; yêu cầu mẫu mã, bao bì theo đúng quy định của các sản phẩm đặc sản; thương mại điện tử của các chủ thể còn hạn chế. Khó khăn trong việc mở rộng quy mô vùng nguyên liệu.
![]() |
Yên Bái triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm |
Để hướng tới phát triển chiều sâu, tỉnh xác định các giải pháp trọng tâm như tăng cường tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo các tiêu chí OCOP mới. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo năng lực cho các chủ thể OCOP, đặc biệt về thương mại, xúc tiến bán hàng và chuyển đổi số. Đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP với thị trường trong nước và quốc tế, tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành. Tập trung vào sản phẩm thế mạnh có tiềm năng xuất khẩu và xây dựng câu chuyện văn hóa bản địa gắn với sản phẩm để gia tăng giá trị nhận diện.
Ở Yên Bái, mỗi sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là một mặt hàng nông sản mà còn mang theo hồn cốt văn hóa, tri thức bản địa và kỳ vọng về một tương lai nông thôn phồn vinh. Từ quả quế Văn Yên, chè Suối Giàng đến các sản phẩm thảo dược của người Dao, người Tày... tất cả đang từng bước “thoát thai” khỏi mô hình sản xuất nhỏ lẻ để vươn lên thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường.
Bằng cách lấy sản phẩm làm trung tâm, lấy người dân làm chủ thể, lấy thị trường làm định hướng, OCOP đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những chương trình trọng điểm, giúp Yên Bái hiện thực hóa mục tiêu “phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. |