A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực: Bài học gì từ huyện Lục Ngạn?

Ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm trong tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực.

Những năm gần đây, huyện Lục Ngạn của Bắc Giang vươn lên là một trong những điểm sáng của cả nước về sản xuất, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Xin ông cho biết về những giải pháp huyện đã triển khai để có được những kết quả đó?

Tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực: Bài học gì từ huyện Lục Ngạn?
Ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – tỉnh Bắc Giang

Lục Ngạn là huyện miền núi có diện tích lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Chúng tôi hiện có diện tích cây ăn quả lớn nhất của cả tỉnh với 28.000 ha, trong đó vải thiều là 17.357ha, các cây có múi trên 5.000 ha và các loại cây trồng khác. Huyện đang có 84 mã số vùng trồng và 173 mã số đóng gói. Đến thời điểm này, toàn huyện có 75% diện tích cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP, hữu cơ.

Để có kết quả đó, huyện Lục Ngạn đã mất nhiều năm triển khai, quyết tâm xây dựng thương hiệu cho vùng nguyên liệu rộng lớn. Chúng tôi đã xây dựng các cụm, đề án, kế hoạch cho các năm để khi triển khai các vùng trồng sẽ quy hoạch luôn vùng nào cho cây gì ngay từ đầu để đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chúng tôi cũng xây dựng chặt chẽ mã số vùng trồng và đóng gói, thường xuyên duy trì và kiểm tra giám sát để dần dần hoàn thiện và đạt tiêu chuẩn; khi đã đạt được tiêu chuẩn rồi thì dần nâng cao hơn nữa.

Song song với cây ăn quả, chúng tôi cũng quản lý tốt các làng nghề truyền thống như mỳ chũ, các sản phẩm OCOP… Hiện nay Lục Ngạn có 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và đang trình duyệt 2 sản phẩm vải thiều, mỳ chũ là sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Đây là các sản phẩm có sản lượng và chất lượng rất tốt.

Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, chúng tôi cũng thông qua các chương trình phát triển du lịch; thông qua người nổi tiếng và uy tín để quảng bá sản phẩm địa phương. Qua các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, huyện đã tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Song song với xây dựng thương hiệu, huyện cũng quan tâm chất lượng và đảm bảo chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các thị trường khó tính, cao cấp nhất. Đặc biệt, quan tâm đến mẫu mã sản phẩm bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong huyện về tem nhãn bao vì sản phẩm để phù hợp với các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất.

Chúng tôi cũng thường xuyên tỏ chức hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Hàng năm, huyện đều thành lập các đoàn công tác đi khảo sát, tập huấn tại các thị trường. Thường xuyên tổ chức lễ hội trái cây, hội thi, đoàn công tác đến các tỉnh thành, cửa khẩu để làm việc với các cơ quan hải quan, kiểm dịch nhằm tạo điều kiện xuất khẩu địa phương đến các thị trường quốc tế.

Huyện còn phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cùng các công ty lữ hành để xây dựng tour tuyến đến thăm quan tại các cơ sở sản xuất cây ăn quả, cơ sở làng nghề… Việc mở các tour du lịch đến các nhà vườn hiện được du khách rất quan tâm và đến rất đông. Khi họ đến thì góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm với lượng khá lớn.

Huyện còn mời gọi các chuỗi siêu thị và kênh phân phối lớn trên cả nước, kể cả nước ngoài đến để liên kết chuỗi và đồng hành cùng người dân từ đầu vụ. Ngay từ khi kết thúc vụ trước đã tính đến vụ sau để có sự đồng hành, cam kết có sản phẩm ổn định, lâu dài.

Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, coi đây là kênh tiêu thụ khá lớn các sản phẩm nông sản, đặc biệt là vải thiều.

Hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác thành lập các trung tâm kết nối. Nhờ đó, nếu trước kia qua các hộ gia đình, người dân nhỏ lẻ thì sản lượng manh mún nhưng bằng cách này thì sẽ tạo ra nguồn sản lượng lớn, dồi dào để cho các kênh phân phối lớn tiêu thụ.

Tiêu thụ sản phẩm đã khó, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, huyện Lục Ngạn đang thực hiện các hoạt động này tương đối hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, có được điều này là do huyện Lục Ngạn đã song hành cả việc xúc tiến tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tiêu biểu là trái vải thiều. Ông chia sẻ gì về hoạt động này?

Đối với vải thiều, Lục Ngạn có diện tích rất lớn, hàng năm sản lượng vào khoảng trên 100.000 tấn. Đây là sức ép lớn, đòi hỏi chính quyền, người dân, doanh nghiệp trong huyện và tỉnh luôn phải tìm tòi để có được giải pháp làm sao tiêu thụ với giá tốt nhất cho bà con nông dân.

Tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực: Bài học gì từ huyện Lục Ngạn?
Bài học tiêu thụ vải thiều có thể gợi mở cho rất nhiều loại nông sản khác

Hiện vải thiều đã xuất khẩu đi hơn 37 nước trên thế giới. Để xuất khẩu được là quá trình vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian để các thị trường đón nhận.

Bên cạnh đó, vải là loại trái cây khó tính, thời gian tiêu thụ ngắn nên để làm sao tiêu thụ hết được đã là khó. Do đó, chúng tôi phải tìm mọi cách để vừa giữ chất lượng và vừa xây dựng thương hiệu để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Ở huyện Lục Ngạn, trái vải đã được xây dựng thương hiệu từ 15 năm nay. Năm 2008, chúng tôi đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đến nay đã có 8 nước cấp bảo hộ nhãn hiệu cho vải thiều.

Đặc biệt năm 2021, vải thiều là loại quả đầu tiên được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là bước ngoặt lớn và vải thiều là trái cây đặc sản có thể đến được các thị trường khó tính nhất.

Ngoài vải thiều, chúng tôi cũng quan tâm đến các loại trái cây khác như cây có múi, nhãn, vải, rượu, mật ong, mỳ chũ… Đây là các sản phẩm quan trọng của huyện.

Để phát huy những hiệu quả đã đạt được thời gian qua, trong thời gian tới, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng?

Chúng tôi hàng năm phải rà soát quy hoạch lại vùng trồng vì thực tế các loại cây có thể giai đoạn này phù hợp nhưng giai đoạn sau không còn phù hợp nữa, do đó chúng tôi phải tính toán để phù hợp quy hoạch với cơ cấu cây trồng. Chúng tôi đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp để vừa sản xuất, vừa xây dựng nhà máy bảo quản chế biến. Đặc biệt là chế biến sâu, hiện chúng tôi chưa có nhà máy lớn để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Chúng tôi luôn luôn quản lý chặt mã số vùng trồng và mã số đóng gói bằng cách cử cán bộ và thành lập các ban chỉ đạo để hướng dẫn, kiểm tra các mã số đảm bảo theo các yêu cầu của các nước đề ra. Trước kia các nước không đến kiểm tra nhưng hiện nay các nước thường xuyên đến để kiểm tra các mã số, đảm bảo sơ chế đóng gói xuất khẩu đi. Do đó, các mã số nào không đảm bảo thì chúng tôi phải cắt giảm, thu hồi, không cấp nữa.

Chúng tôi cũng xây dựng tiêu chuẩn ngày càng cao hơn như Global GAP, hữu cơ để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, xây dựng logo, bao bì, tem nhãn để đáp ứng được yêu cầu các thị trường.

Ngoài xây dựng thương hiệu, chúng tôi cũng tích cực tham gia các hội nghị, triển lãm của các bộ ngành. Ngân sách của huyện thường xuyên hỗ trợ cho các hộ dân, các doanh nghiệp, HTX tham gia các cuộc thi, triển lãm, hội chợ thương mại, qua đó rút kinh nghiệm và phát triển sản phẩm của mình.

Hàng năm chúng tôi cũng cung cấp kinh phí để xây dựng các mô hình để khi triển khai các điểm mới, sẽ có mô hình để rút ra kinh nghiệm. Huyện thường xuyên sơ kết tổng kết để rút ra quy trình chăm sóc chế biến, bảo quản tiêu thụ phù hợp nhất.

Huyện còn tổ chức nhiều hội thi trái cây, các lễ hội trái cây gắn với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, các làng nghề để mỗi địa phương đua nhau, cùng nhau phát triẻn các sản phẩm đặc trưng. Hỗ trợ đào tạo về sản xuất các loại cây, con và hướng dẫn người dân để có kinh nghiệm về đón khách du lịch. Thậm chí chúng tôi hỗ trợ học ngoại ngữ cho bà con để đón khách quốc tế.

Huyện cũng chú trọng quy hoạch các khu, tập trung các đầu mối để tiến tới từ nay đến năm 2030 sẽ là điểm để tập trung các mặt hàng trong ngoài tỉnh để tiêu thụ. Đồng thời tổ chức đoàn đi khảo sát, tìm kiếm thị trường để có học hỏi, rút ra để triển khai ở địa phương. Tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ngành, UBND tỉnh để có kinh phí đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, đặc biệt là ở khu vực miền núi còn khó khăn.

Dù rằng đã đạt được không ít thành công, song khó khăn mà một huyện miền núi như Lục Ngạn gặp phải trong xuất khẩu nông sản cũng không ít. Đó là những khó khăn gì? Địa phương có kiến nghị gì với cơ quan chức năng để tháo gỡ phần nào những khó khăn đó?

Là một huyện miền núi vùng sâu vùng xa có nhiều khó khăn, chúng tôi có nhiều mong muốn, đề xuất để xây dựng vùng cây ăn quả của tỉnh và quốc gia.

Để xây dựng vùng cây ăn quả lớn và có chất lượng tốt thì giống là khâu quyết định lớn. Chúng tôi đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà khoa học nghiên cứu để có các giống phù hợp với các vùng và kéo dài thời gian thu hoạch. Ví dụ như hiện nay trái vải chỉ có thời gian thu hoạch khoảng 50-60 ngày. Nếu như kéo dài được thời gian thu hoạch khoảng 1 tháng, hoặc 15 ngày thì sẽ mang lại thu nhập lớn.

Về công nghệ, vải là trái cây khó tính trong vận chuyển, bảo quản, chế biến và ta chưa có công nghệ hiện đại như các nước để có thể chế biến sâu và vận chuyển quả vải tươi. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến và nghiên cứu thị trường, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu cho địa phương.

Hiện, huyện còn có có sức ép về ùn tắc giao thông khi sản lượng vải lớn, thời gian thu hoạch ngắn. Cho nên cần đầu tư đường giao thông hoặc xe vận chuyển. Hiện nay vận chuyển bằng đường hàng không chi phí rất cao. Nếu như có sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư đường sắt thì rất tốt. Hiện nay chúng tôi đã có ga Kép, chúng tôi tiến tới xuất khẩuk vải qua đường sắt và đường sông để giảm chi phí.

Đối với thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp rất ngại thực hiện thủ tục hành chính vì nhiều thủ tục rất phức tạp. Chúng tôi mong muốn các thủ tục được cắt giảm hơn nữa để ng dân và HTX tiếp cận và trực tiếp tiếp xuất khẩu được các mặt hàng của mình.

Ngoài ra, vốn vay của người dân hiện cũng gặp khó khăn. Chúng tôi mong muốn có được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi.

Đặc biệt, với vấn đề chiếu xạ, hiện nay, trái vải muốn xuất khẩu đi Mỹ thì phải chiếu xạ, nhưng để chiếu xạ phải vào Sài Gòn, gây đội chi phí. Mong nhà nước đầu tư một nhà máy chiếu xạ tại Hà Nội hoặc Bắc Giang để tạo điều kiện cho chúng tôi trong mùa vải sắp tới.

Với vấn đề du lịch, hiện nay du lịch nhà vườn ở Lục Ngạn rất có tiềm năng. Cho nên chúng tôi cũng muốn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các công ty lữ hành có thể đến với Lục Ngạn để hướng dẫn, hỗ trợ địa phương có thêm kinh nghiệm để chào đón du khách, phát triển du lịch.

Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết