Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An: Giúp dân hiệu quả thông qua các mô hình sinh kế

Thời gian qua, các mô hình sinh kế do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An triển khai hỗ trợ người dân trên địa bàn biên giới đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới.

Đại úy Nguyễn Kim Trọng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Hợp (BĐBP tỉnh Nghệ An) dẫn chúng tôi tới thăm gia đình bà Quang Thị Loan ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Đây là một trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhất bản. Theo Đại úy Nguyễn Kim Trọng, để giúp gia đình bà Loan vươn lên thoát nghèo, chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Hợp đã bàn bạc, thống nhất với chính quyền địa phương về phương pháp, mô hình sinh kế. Xét thấy hoàn cảnh gia đình bà Loan chỉ phát triển theo hướng chăn nuôi là phù hợp, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã hỗ trợ vốn ban đầu 17 triệu đồng để gia đình nuôi 7 con dê; huy động cán bộ, chiến sĩ giúp ngày công, vật liệu làm chuồng nuôi đúng kỹ thuật; cử cán bộ có kinh nghiệm chăn nuôi thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ gia đình về cách chăm sóc đàn dê với phương thức tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị sản phẩm. Chỉ sau hơn một năm, đàn dê đã sinh trưởng và tăng số lượng gấp hơn 3 lần. Đây là nền tảng cho gia đình bà Loan phát triển kinh tế, ổn định đời sống và là mô hình mẫu để các hộ dân trong vùng học tập, làm theo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) giúp người dân xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) thu hoạch lúa.

Gia đình ông Xồng Nhia Lỳ ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp cũng được Đồn Biên phòng Tam Hợp lựa chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hình thức bộ đội hỗ trợ con giống ban đầu, gia đình chăm sóc, lợi nhuận chia hai. Từ những con giống ban đầu, hiện nay, gia đình ông Xồng Nhia Lỳ có 15 con bò, 6 con dê. Đây là nguồn thu nhập giúp gia đình ông từng bước thoát nghèo, đồng thời đơn vị có thêm vốn để hỗ trợ các hộ khó khăn khác.

Đồng chí Xồng Bá Nỏ, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Hợp, chia sẻ: Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế rất hiệu quả bằng các mô hình chăn nuôi, trồng các giống cây... BĐBP vừa tuyên truyền, vận động, vừa hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc". Người dân từ làm theo kinh nghiệm dân gian, đến nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Hiện các mô hình kinh tế hiệu quả do BĐBP chuyển giao đang được địa phương tiếp tục nhân rộng. Ngoài giúp dân phát triển kinh tế, BĐBP còn là lực lượng nòng cốt giúp dân khi có thiên tai, góp phần cùng địa phương từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, qua đó ngày càng củng cố mối đoàn kết quân dân gắn bó.

Các mô hình trồng lúa nước, trồng cây dược liệu... cũng được các đồn biên phòng hướng dẫn bà con dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai thành công. Chỉ tính riêng năm 2023, BĐBP tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành địa phương hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả 59 mô hình phát triển kinh tế; giúp dân hơn 5.700 ngày công lao động, chăm sóc và thu hoạch 48,9ha hoa màu; trồng rừng, khai hoang, phục hóa 5ha đất; giúp các địa phương làm mới và tu sửa 61km đường giao thông nông thôn; nạo vét, củng cố 13km kênh mương thủy lợi; tiếp tục hỗ trợ 96 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 16 học sinh người Lào) và nuôi dưỡng 18 em là con nuôi tại các đồn biên phòng. Các đơn vị BĐBP tỉnh Nghệ An còn trao xe đạp, đồ dùng học tập và quà tặng các em học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”... Các mô hình giúp dân phát triển kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt đã giúp đồng bào vùng biên từng bước ổn định cuộc sống, yên tâm bám bản, bám biên giới; giảm hiện tượng di cư tự do và các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trên tuyến biên giới.

Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An, cho biết: "Để giúp người dân trên địa bàn biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, chúng tôi đã có nhiều chủ trương, giải pháp như chỉ đạo các đơn vị cơ sở phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ; tham mưu cho địa phương các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc, địa hình, thổ nhưỡng... sao cho hiệu quả. Đơn vị cùng chính quyền địa phương rà soát, nắm chắc các hộ nghèo và cận nghèo; huy động các nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, vật chất, giống cây trồng, vật nuôi... Đặc biệt, các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã, huyện biên giới tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương điển hình để động viên những gia đình đã làm được và khích lệ các gia đình khác làm theo. Thời gian tới, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì, phát huy những mô hình hiệu quả, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho địa phương xây dựng các mô hình mới. Chúng tôi xác định, BĐBP tích cực giúp dân cũng là biện pháp hữu hiệu để người dân gắn bó, bám bản, bám biên giới, tích cực tham gia cùng BĐBP giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật