Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng bò sinh sản giúp người nghèo vươn lên

Từ ý tưởng huy động các nguồn lực hỗ trợ sinh kế, giúp người dân có thêm tư liệu sản xuất, đến nay, xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã có một ngân hàng bò giống, giúp hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo...

Từ ý tưởng nhân văn

Cư Pui là xã vùng III của huyện Krông Bông với hơn 14.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 90%. Nhận thấy đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, năm 2017, trên cương vị Chủ tịch UBND xã Cư Pui, đồng chí Nguyễn Văn Tâm (hiện nay là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Bông) đã đứng ra kêu gọi cộng đồng hỗ trợ người dân địa phương.

Nhiều hội nhóm từ thiện, các tấm lòng hảo tâm ở các địa phương trên cả nước đã đến Cư Pui hỗ trợ người dân bằng những phần quà thiết thực. Tuy nhiên, việc tặng quà chỉ mang tính chất tạm thời, trước mắt, muốn bà con vươn lên ổn định cuộc sống thì phải hỗ trợ bằng hình thức trao “cần câu” tạo sinh kế cho hộ nghèo. Từ suy nghĩ đó, đồng chí Nguyễn Văn Tâm đã tích cực vận động các nhà tài trợ chung tay hỗ trợ triển khai Dự án “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên” nhằm cung cấp tư liệu sản xuất cho người nghèo. Theo đó, các hộ nghèo sẽ được nhận bò cái sinh sản để nuôi. Khi bò sinh sản lứa đầu tiên được 5 tháng tuổi, gia đình giữ lại bê con và chuyển bò mẹ cho hộ nghèo khác. Nhằm triển khai hiệu quả dự án, đồng chí Nguyễn Văn Tâm lập ra ban điều hành với nhiệm vụ giao, nhận bò sinh sản; định kỳ kiểm tra, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò...

 Anh Thào Sè Lúa (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu đàn bò của gia đình được phát triển từ mô hình “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên”.

Năm 2017, “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên” bắt đầu được triển khai tại thôn Ea Rớt-thôn khó khăn nhất của xã Cư Pui, với 4 con bò cái sinh sản giao cho 4 hộ nghèo. Là một trong những hộ nghèo đầu tiên của thôn Ea Rớt được nhận bò giống, anh Vàng Seo Vừ chia sẻ: “Năm 1996, từ Hà Giang, mình đưa vợ con vào Ea Rớt dựng tạm căn nhà nhỏ sinh sống. Nơi đây đất đai cằn cỗi, gia đình lại đông con nên khó khăn chồng chất. Năm 2017, gia đình mình được nhận một con bò sinh sản từ mô hình “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên” của xã. Sau một năm chăm sóc, bò mẹ sinh bê cái, mình trả lại bò mẹ cho gia đình khác nuôi. Sau hơn 5 năm, đến nay gia đình mình đã có đàn bò 4 con. Cuộc sống của gia đình cũng dần ổn định. Không chỉ hỗ trợ bò, xã còn kêu gọi hỗ trợ gia đình mình 60 triệu đồng để xây nhà nên năm ngoái gia đình mình đã xây được nhà kiên cố...”. Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt cho biết, Ea Rớt là một trong những thôn khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk. “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên” là một sáng kiến thiết thực góp phần giúp người dân vươn lên. Đến nay, hầu hết các hộ nghèo trong thôn đều đã được chuyển tiếp nuôi bò sinh sản. Ea Rớt là thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều nhất xã... 

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Từ 4 con bò giống đầu tiên hỗ trợ các hộ nghèo thôn Ea Rớt, đến nay, “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên” đã có hơn 100 con bò, mô hình đã được nhân rộng ra thôn Ea Uôl. Gia đình đông con, nương rẫy ít, gia đình anh Thào Sè Lúa thuộc diện hộ nghèo lâu năm của thôn Ea Uôl. Năm 2021, gia đình anh Lúa được nhận nuôi bò mẹ từ mô hình “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên”. Sau hơn hai năm, đến nay, gia đình anh đã có một con bê cái trị giá 15 triệu đồng. Anh Lúa chia sẻ: “Khi được nhận nuôi bò luân phiên, tôi rất mừng, đó là động lực để gia đình vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”. 

Không chỉ riêng anh Vàng Seo Vừ, anh Thào Sè Lúa, từ sự hỗ trợ của “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên”, nhiều gia đình hộ nghèo người DTTS đã được nuôi bò giống, nhân đàn tới 3-4 con bò để phát triển chăn nuôi. Không ít hộ đã có bò bán để góp thêm tiền làm nhà ở kiên cố. Sau 6 năm thực hiện, có thể khẳng định mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Cư Pui là vùng căn cứ cách mạng, được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo, đầu tư nguồn lực. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi cùng với trình độ dân trí còn những hạn chế nhất định, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất nên cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Việc duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình “Ngân hàng bò sinh sản luân phiên” không chỉ giúp đồng bào phát triển kinh tế mà còn làm thay đổi nhận thức của bà con, tạo niềm tin, động lực vươn lên, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật