A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ chất lượng để sầu riêng Khánh Sơn vươn xa

Trái sầu riêng vùng Khánh Sơn (Khánh Hòa) nổi tiếng với đặc điểm “cơm vàng, hạt lép” đang là điểm tựa giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, giải bài toán kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, khi diện tích vùng trồng có dấu hiệu tăng nhanh, để tránh điệp khúc trồng rồi chặt do cung vượt cầu, cơ quan chức năng và người dân cần có những giải pháp bảo đảm chất lượng, giữ vững uy tín, thương hiệu, đưa sầu riêng trở thành loại cây ăn trái bền vững.

Sản lượng sầu riêng tăng cao

Khánh Sơn là huyện nghèo miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa

Do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, sầu riêng đang là giống cây ăn trái thế mạnh của huyện Khánh Sơn những năm gần đây. Diện tích trồng sầu riêng hiện nay tại Khánh Sơn khoảng 2.400ha, trong đó có 1.200ha đang thời kỳ kinh doanh, tăng hơn 200ha so với năm 2022.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, sản lượng sầu riêng năm 2023 ở huyện Khánh Sơn ước đạt 15.000 tấn với giá bán cao hơn mọi năm rất nhiều, trung bình 65-85.000 đồng/kg. Năm 2023, huyện Khánh Sơn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được 130 tấn, còn lại chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Người dân thu hoạch sầu riêng tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ĐẶNG TUẤN 

Xuất phát từ TP Nha Trang, sau khi vượt hơn 100km với nhiều cung đường đèo dốc và những khúc cua tay áo hiểm trở, chúng tôi đến vườn trồng sầu riêng của anh Bo Bo Thương, người dân tộc Ra Glai, tại thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Thương hồ hởi chia sẻ: "Khu vườn của gia đình tôi có diện tích khoảng 3ha với 600 cây sầu riêng, vào vụ thu hoạch, mỗi cây cho sản lượng 1-1,2 tạ.

Tại Khánh Sơn có nhiều loại sầu riêng, nhưng tôi chủ yếu trồng giống Monthong vì có vị ngọt đậm, múi dày, hạt bé và dễ chăm sóc. Giống sầu riêng này thu hoạch vào tầm tháng 9-10 hằng năm, với giá tại vườn dao động 60.000-70.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, trung bình một cây đem lại cho gia đình tôi khoảng 4 triệu đồng tiền lãi sau mỗi vụ thu hoạch...".

Theo anh Bo Bo Thương, trước khi trồng sầu riêng, gia đình anh cũng như nhiều bà con nông dân tại xã Sơn Bình chủ yếu trồng cây lúa, cây bắp hoặc các loại cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đa số đồng bào tại đây là người dân tộc, khu vực sinh sống chủ yếu ở đồi núi, đi lại khó khăn nên hoạt động kinh tế kém phát triển. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng đột biến, nhiều thương lái tìm đến thu mua với giá cao đã thúc đẩy người dân dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng, từ đó, nhiều hộ nông dân đã có sự cải thiện về kinh tế, đời sống ấm no hơn trước.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nước ngoài chủ yếu của sầu riêng Việt Nam. Việc nhiều vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam được cấp mã số phục vụ truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã góp phần nâng cao cơ hội của sầu riêng nước ta tại thị trường tỷ dân này, đây cũng là lý do khiến diện tích trồng sầu riêng trong nước tăng nhanh. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, huyện Khánh Sơn hiện có 5 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với diện tích 125,4ha, chiếm khoảng 10% diện tích sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh. Ngoài ra, có 4 mã số với diện tích 120,2ha đang chờ phản hồi từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Chủ động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ

Có thể thấy, sầu riêng đang là mặt hàng có lợi thế về xuất khẩu và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân không chỉ ở Khánh Sơn mà còn tại nhiều địa phương khác như các tỉnh Tiền Giang, Đắk Lắk... Tuy nhiên, vẫn còn đó những rủi ro tiềm ẩn nếu diện tích trồng sầu riêng phát triển quá nhanh và không được kiểm soát.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, người dân huyện Khánh Sơn cũng như một số tỉnh đang không ngừng mở rộng diện tích trồng sầu riêng, điều này có thể dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, sầu riêng là loại cây lâu năm, quá trình trồng 3-5 năm mới cho thu hoạch, cộng với chi phí đầu tư ban đầu lớn, vì vậy, nếu không có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu phát triển liên tục diện tích sầu riêng, người nông dân có thể chưa thu hoạch được đã phải rơi vào tình trạng cung vượt xa cầu. Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người dân thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm sầu riêng.

Một vấn đề khác là đầu ra của sầu riêng Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, thể hiện rõ quyết tâm cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Tại Trung Quốc, nhiều hộ kinh doanh cũng đang mở rộng vùng trồng sầu riêng để cung cấp cho nội địa. Với những thách thức trên, người nông dân cần chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng để giữ vững và khẳng định uy tín của sầu riêng Việt Nam.

Là người có kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề, theo anh Thương, để cây sầu riêng cho quả đạt chất lượng tốt thì cần có sự đầu tư tìm tòi, nghiên cứu các cách làm hay, hiệu quả và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp về an toàn thực vật. Các cây trong vườn phải được trồng theo khoảng cách phù hợp, cây cách cây 7m, hàng cách hàng 7m; hệ thống nước tưới được bố trí tự động, dưới mỗi gốc cây đều có vòi tưới dạng phun sương, bảo đảm cây sầu riêng luôn được tưới nước đều đặn mỗi ngày mà lại tiết kiệm được sức lao động.

Bên cạnh đó, anh Thương sử dụng phân hữu cơ nở để bón gốc sầu riêng, đây là loại phân bón vi sinh được làm từ nguyên liệu là các chất hữu cơ động vật hay gia cầm, được lên men và ủ sinh học theo công nghệ hiện đại và có độ an toàn cao; với đặc tính nhả chậm, tan chậm, thích hợp khi dùng trong môi trường đất ẩm, khi gặp nước, phân sẽ bung tơi và nở to ra, tạo độ xốp cho đất. Anh Thương nhấn mạnh, những biện pháp này sẽ cần sự đầu tư về kinh tế lớn hơn cách làm thủ công, nhưng bảo đảm cho năng suất và chất lượng sầu riêng tốt hơn.

Trong vai trò đồng hành với người nông dân nâng cao hiệu quả trồng và xuất khẩu sầu riêng, ông Nguyễn Duy Quang khẳng định, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân các giải pháp kỹ thuật như áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách), bảo đảm thời gian cách ly, không để tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm; không được thu hoạch những quả sầu riêng còn non, khi chưa đạt độ chín. Đồng thời, người dân cần tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái bằng cách chủ động đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để hoạt động trồng và xuất khẩu sầu riêng ổn định, bền vững hơn.


Tags: sầu riêng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật