Bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu ở Thọ Xuân
Tháng 11-2024, Thọ Xuân là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Bức tranh nông thôn tươi đẹp ở Thọ Xuân trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM nâng cao của Thanh Hóa.
Lấy sức dân để lo cho dân
Thôn Phúc Thượng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân hiện có 175 hộ, với hơn 600 nhân khẩu. Toàn thôn có tổng diện tích đất tự nhiên là 34,9ha. Mang tâm trạng phấn khởi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng thôn Phúc Thượng, dừng trước cổng Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn Phúc Thượng, đối diện là công viên nhỏ xây dựng bên bờ hồ của thôn, Bí thư Đảng ủy xã Nam Giang Hoàng Anh Việt nói: “Toàn bộ thành quả của làng quê NTM kiểu mẫu Phúc Thượng nói riêng, xã Nam Giang ngày nay đều xuất phát từ phương châm "lấy sức dân để lo cho dân và nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng NTM”.
Công viên bên hồ được thiết kế đẹp mắt với hai hàng cây lộc vừng xanh tốt, dưới tán lá là những luống hoa thược dược, cúc đủ màu; dưới bóng hoàng hôn, bên những chiếc ghế đá, người ngồi đánh cờ, người trò chuyện, trẻ nhỏ tung tăng vui đùa; hệ thống thiết bị thể thao ngoài trời lắp đặt trong khuôn viên cũng được người dân lần lượt sử dụng hết công năng; trong sân nhà văn hóa là các nhóm chơi bóng chuyền hơi, bóng bàn... Tiếng nói cười, hô hào cổ vũ, những tràng vỗ tay vang rộn khắp một góc làng quê.
![]() |
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò diễn Xuân Phả được người dân huyện Thọ Xuân bảo tồn và phát huy hiệu quả. |
Ông Hoàng Anh Việt cho biết thêm, thực hiện phong trào xây dựng NTM và về đích NTM nâng cao, kể từ năm 2011 đến nay, xã Nam Giang đã huy động hơn 131 tỷ đồng để xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh. Phát triển kinh tế-xã hội, Nam Giang thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 28,73 triệu đồng/người/năm; tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 15-16%, hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, việc huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức đóng góp trực tiếp bằng công sức, tiền của vào các công trình cộng đồng, cải tạo nâng cấp nơi ở, cải tạo vườn, ao... cũng được các cấp chính quyền và nhân dân tập trung triển khai và trở thành yếu tố quyết định trong công cuộc xây dựng NTM.
Đến nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Nam Giang được cứng hóa, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. 8/8 thôn có nhà văn hóa-khu thể thao độc lập, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 2 nhà văn hóa xây mới và 6 nhà văn hóa cải tạo, sửa chữa, quy mô xây dựng từ 150 chỗ ngồi trở lên, được bố trí đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt các sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Bên cạnh đó, các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”...; một số mô hình như: “Tổ 3 trên 1”, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”... hoạt động hiệu quả.
Chung tay xây dựng những làng quê đáng sống
Huyện Thọ Xuân nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước, lịch sử, văn hóa, cách mạng; là quê hương của anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi và nhiều danh nhân, danh tướng tài cao, chí lớn đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Nơi đây xưa từng là kinh đô kháng chiến của nước Đại Việt thời Hậu Lê. Hiện nay, Thọ Xuân là một trong những huyện lớn của tỉnh Thanh Hóa, có 30 xã, thị trấn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân tập trung tuyên truyền để cán bộ và nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình xây dựng NTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao.
Cùng với những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế, giao thông, giáo dục, an sinh xã hội... với 19/19 tiêu chí của NTM nâng cao, được Chính phủ công nhận, nhiều năm qua, huyện Thọ Xuân đã chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích cách mạng và phục dựng các lễ hội, trò diễn xướng dân gian... Trong đó nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập), Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Trò diễn Xuân Phả và Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn cũng được các thế hệ người dân nơi đây thực hành, truyền dạy, phát huy.
Vùng đất Thọ Xuân đang căng tràn xuân sắc nhờ những công trình, những con đường, khu dân cư, trường học, công trình văn hóa-thể thao mới khang trang bên cạnh những di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa dựng nước và giữ nước. Thọ Xuân đã trở thành một miền quê đáng sống.
Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ