Đường vào lòng dân Văn Thụ
Cầu thị lắng nghe, quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân; mở đường tạo thuận lợi cho giao thông, giao thương, xây dựng hạ tầng; hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống-đó là 3 hướng chính được Huyện ủy cùng các cấp chính quyền huyện Hòa An (Cao Bằng) triển khai đồng bộ để “mở đường chiến lược” vào lòng dân thôn Văn Thụ, xã Nam Tuấn...
Miệt mài bám dân, bám thôn xóm
Con đường từ Quốc lộ 3 vào thôn Văn Thụ dài hơn 4 cây số đã được mở rộng hơn 4m. Tuy chưa được bê tông hóa toàn bộ nhưng đã đi lại thuận tiện hơn trước đây rất nhiều, nhất là đường vào các xóm. Vẫn con đường và những con dốc, khúc cua mà trước đây chỉ có thể cuốc bộ cả ngày trời thì bây giờ, người dân trong thôn có thể đi xe máy chở ngô, lợn, gà ra chợ bán; xe chở vật liệu xây dựng vào tận nhà. Giáo viên đến trường, trẻ em đi học, bà con đến thăm nhau cũng dễ dàng hơn. Quan trọng hơn nữa là người dân cởi mở và tin tưởng vào lời nói, việc làm của cán bộ cũng như chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương. Nói thì ngắn gọn thế nhưng để mở được con đường này là một quá trình kéo dài hàng chục năm với muôn vàn khó khăn, trắc trở, được ông Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Văn Thụ-cũng là một người Mông-ví von, đúc rút: “Người Mông đã nghiện thì rất nặng nên rất khó để cai nghiện. Khó như là dắt con bò leo lên ngọn cây ấy, nên muốn làm được thì phải quyết tâm và làm một cách kiên trì, bền bỉ, liên tục”.
Khoảng năm 1989, với những luận điệu xuyên tạc, mị dân, dụ dỗ, lôi kéo, các đối tượng trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã lừa gạt nhiều người Mông ở thôn Văn Thụ tin theo. Chịu ảnh hưởng của tổ chức này, bà con xa rời phong tục tập quán tốt đẹp của người Mông, có các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự; tự ý dựng nhà đòn; tổ chức tết chung; tổ chức sinh nhật Dương Văn Mình; sử dụng con cóc, con ve và cây thập tự trong đám tang... Không những thế, bao nhiêu của cải tích cóp từ những ngày nai lưng làm việc trên nương cũng mang cho Dương Văn Mình và đồng đảng ăn tiêu nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Những năm 2013 trở về trước, việc tiếp xúc, trò chuyện với người dân trong thôn, nhất là phụ nữ, những người ít ra khỏi thôn, rất khó khăn. Nhiều gia đình hễ cứ thấy cán bộ xã, huyện đến tuyên truyền, vận động là cửa đóng then cài, xua đuổi...
Anh Dương Văn Thà (thứ ba, từ trái sang) giới thiệu về vườn trồng thuốc lá của gia đình với lãnh đạo huyện Hòa An (Cao Bằng). Ảnh: ĐỨC TUẤN |
Biết là không thể một sớm một chiều thay đổi được nếp nghĩ của bà con nên suốt hàng chục năm, nhiều cán bộ xã Nam Tuấn và cán bộ huyện Hòa An vẫn miệt mài bám dân, bám thôn xóm. Có những hôm đi bộ nửa ngày vào thôn mà không gặp được ai, không giải quyết được việc gì nhưng hôm sau vẫn đến để bà con quen mặt. Sau hàng chục năm như thế, năm 2022, Huyện ủy Hòa An quyết định thành lập tổ công tác, chia thành 7 nhóm với thành viên là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của huyện cùng cán bộ xã Nam Tuấn xuống “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào) với các hộ dân. Hầu hết bà con đều vui vẻ vì có người đến làm giúp. Thế nhưng, chỉ cần nhắc đến tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình là bà con thay đổi hẳn thái độ, tỏ ra căng thẳng và không nói chuyện nữa. “Rất nhiều ngày, mỗi lần như thế là bà con im lặng mấy ngày liền. Biết đồng bào chưa hiểu nên chúng tôi vẫn vui vẻ, kiên trì thuyết phục và giúp bà con thu hoạch, vận chuyển ngô, phát nương, chuẩn bị gieo trồng mùa vụ mới... Từ đó, những người có uy tín như ông Lý Văn Sinh hay trẻ tuổi như anh Dương Văn Thà đã thấu hiểu, tiên phong từ bỏ, ký cam kết không tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và cùng tham gia vận động người dân”, đồng chí Nông Quốc Tăng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tuấn nhớ lại.
Khi lòng dân đã mở
Nhắc đến ông Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Văn Thụ, ai cũng mến sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của ông. Là đảng viên, lại từng tham gia dạy xóa mù chữ cho người dân trong thôn nên ông được mọi người tôn trọng. Nhưng từ khi ông ký cam kết không tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và giúp chính quyền vận động bà con, có người không hiểu, quay sang ghét bỏ ông. Thấy ông đến nhà, nhiều người không tiếp nhưng ông vẫn đến. Ngày này qua ngày khác, ông cuốc bộ từ nhà đến xóm Lũng Bua, xóm Lũng Rầy, xóm Goọc Mu... để vận động từng người, từng nhà. Nhiều trường hợp, ông và thành viên các nhóm đã thuyết phục được chồng, nhưng đến lúc chuẩn bị ký cam kết thì vợ phản đối nên không ký nữa, thế là lại tiếp tục giải thích, vận động...
Trường hợp của anh Dương Văn Thà ở xóm Lũng Bua cũng khá đặc biệt. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ đều tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình nên anh phải theo. Đến khi có vợ, có con, trở thành trụ cột và phải lo lắng nhiều hơn cho cuộc sống gia đình, anh cứ nghĩ mãi, vì sao làm việc quần quật quanh năm mà vẫn đói, vẫn nghèo, phải ăn mèn mén? Tổ chức của Dương Văn Mình có mang lại cuộc sống ấm no, giàu sang như vẫn hứa? Khi được tuyên truyền, giải thích về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào, anh chưa tin lắm, nhưng vì quý tình cảm, việc làm của cán bộ nên anh ký cam kết dù bị bố mẹ phản đối hết sức gay gắt.
“Bố mẹ vẫn tham gia tổ chức trên và mắng tôi rất nhiều, nhưng tôi không buồn nữa. Cuối năm 2022, tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được hỗ trợ phát triển kinh tế và được địa phương giúp đỡ về nhiều mặt khi chuyển sang trồng 4.000 cây thuốc lá. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, sấy thuốc, tôi còn được hỗ trợ toàn bộ vật liệu làm lò sấy thuốc lá. Trước đây, việc đi lại rất khó khăn nên bộ đội và thanh niên đã vác từng bao vật liệu về nhà giúp tôi. Năm đầu tiên trồng thuốc lá, tôi có thu nhập khoảng 60 triệu đồng, cao hơn trồng ngô rất nhiều. Năm nay, tôi đã tự ươm giống và trồng được gần 10.000 cây”, anh Dương Văn Thà chia sẻ.
Lúc cao điểm, thôn Văn Thụ có 35/40 hộ dân với 171 nhân khẩu tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Sau 100 ngày đêm thực hiện “4 cùng” với đồng bào, hiện nay, thôn chỉ còn 3 hộ với 19 nhân khẩu chưa ký cam kết không tham gia nữa. Song, kết quả quan trọng nhất là bà con đã tin tưởng, tham gia đối thoại bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình với cán bộ, chính quyền địa phương. Từ ý kiến của bà con, cuối năm 2022, Huyện ủy và UBND huyện Hòa An tổ chức triển khai ngay việc mở đường vào thôn Văn Thụ và các xóm. Song song với đó là giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây thuốc lá của gia đình anh Dương Văn Thà, đến nay, cả thôn đã có 7 hộ tham gia và dự kiến còn tăng nhanh nữa. Anh Đào Văn Minh ở xóm Lũng Bua cho biết: “Học tập anh Thà, tôi bàn với gia đình em gái trồng chung nhau 3,6 vạn cây thuốc lá và tin là sẽ khá hơn trước đây. Được hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật, chúng tôi đang xây hai lò sấy thuốc. Đời mình khổ rồi, bây giờ phải chịu khó làm giàu cho các con bớt khổ thôi”. Còn anh Nông Mùi Thượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An cho biết: “Trước đây, bà con chỉ trồng ngô, năng suất không cao mà giá trị lại thấp, cao lắm chỉ được 7.000 đồng đến 8.000 đồng/kg. Hơn nữa, đường đi rất khó khăn, muốn mang bán cũng chỉ có cách vác bộ, một ngày giỏi lắm thì được hai bao, mỗi bao 20kg nên bà con cứ nghèo mãi. Chuyển sang trồng cây thuốc lá, bà con được hỗ trợ xây lò sấy, ký cam kết thu mua nên không lo về giá và đầu ra. Với việc đi lại thuận tiện như hiện nay, đơn vị thu mua sẽ đến từng nhà để thu gom”.
Đường vào thôn Văn Thụ dẫu vẫn còn ngổn ngang, nhiều việc phải làm nhưng khi lòng dân Văn Thụ đã mở thì dù khó đến mấy cũng sớm hoàn thành. Hơn nữa, đồng chí Nguyễn Quốc Trung, Bí thư Huyện ủy Hòa An không giấu quyết tâm: "Đã hứa với bà con thì khó mấy chúng tôi cũng phải làm bằng được. Sau khi làm đường xong, việc tiếp theo của chúng tôi là đưa điện về phục vụ sản xuất, sinh hoạt của bà con. Xa hơn nữa là nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống chứa nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt. Đây là những việc khó, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm vì mục tiêu cao nhất là cuộc sống ấm no, đủ đầy của người dân"